November 13, 2023 | 10:34 GMT+7

Fed "mất ngủ" vì kỳ vọng lạm phát tăng

Bình Minh -

Trong nền kinh tế Mỹ đang xuất hiện một vấn đề mới khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo ngại...

Bên ngoài trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Reuters.
Bên ngoài trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Reuters.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đang theo dõi chặt chẽ những rủi ro có thể làm khó nhiệm vụ chống lạm phát của họ, chẳng hạn nhu cầu tiêu dùng giữ ở mức cao gây áp lực tăng giá và nguy cơ leo thang giá dầu do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Theo hãng tin CNN, Fed giờ đây còn có một mối bận tâm khác là liệu người tiêu dùng Mỹ có còn giữ được niềm tin rằng lạm phát sẽ sớm quay trở lại mức bình thường.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA KỲ VỌNG LẠM PHÁT

Tuy nhiên, niềm tin đó của người Mỹ có vẻ đang bị xói mòn. Cuộc khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan công bố vào hôm thứ Sáu vừa rồi cho thấy kỳ vọng lạm phát dài hạn của người Mỹ đã tăng lên mức 3,2% trong tháng này, mức cao nhất kể từ năm 2011. Và kỳ vọng này có thể tiếp tục sẽ tăng lên, khiến cho Fed càng mất thêm thời gian để đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Trong dự báo mới nhất được Fed đưa ra hồi tháng 9, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này cho rằng phải đến năm 2026 lạm phát mới giảm về 2%.

Giới phân tích cho rằng việc kỳ vọng lạm phát xấu đi có thể trở thành một nhân tố ngáng đường mới đối với cuộc chiến chống lạm phát của Fed, vì khi kỳ vọng lạm phát tăng, người tiêu dùng sẽ có khuynh hướng quen với lạm phát cao và họ sẽ tiếp tục chi tiêu thay vì "thắt lưng buộc bụng".

“Nếu người tiêu dùng hay doanh nghiệp bắt đầu cho rằng mức lạm phát dài hạn sẽ cao hơn, chúng tôi sẽ phải hành động để đưa kỳ vọng đó về tầm kiểm soát”, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hồi đầu tháng này.

Nếu người Mỹ mất đi niềm tin rằng lạm phát có thể quay trở lại mức bình thường, điều đó sẽ buộc Fed phải thắt chặt thêm chính sách tiền tệ - có thể bằng cách tăng thêm lãi suất hoặc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn dự kiến.

Lãi suất cơ bản của Fed đang ở mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 25 năm. Giới chức Fed vẫn đang giữ quan điểm cứng rắn, để ngỏ khả năng tăng lãi suất và giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.

“Tôi từng có khoảng thời gian làm việc 6 năm tại Fed. Nếu kỳ vọng lạm phát tăng lên và vượt khỏi tầm kiểm soát, Fed chắc chắn sẽ hành động”, nhà kinh tế trưởng Luke Tilley của công ty tư vấn đầu tư Wilmington Trust Investment Advisors nói với CNN.

“Đó là một vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed khó ngủ. Họ không quá lo về suy thoái kinh tế, vì suy thoái đến rồi lại đi, nhưng họ mất ngủ nếu kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng lên”, ông Tilley nói.

Hiện chưa ai dám chắc kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ có tăng thêm nữa hay không, và Fed cũng căn cứ vào nhiều cuộc khảo sát chứ không riêng gì cuộc khảo sát của Đại học Michigan. Tuy nhiên, đây là một trong những cuộc khảo sát được giới đầu tư và chuyên gia kinh tế theo dõi nhiều nhất.

Fed rất chú trọng kỳ vọng lạm phát dài hạn và Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đề cập đến vấn đề này tại tất cả các cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Mỹ mỗi năm có 8 lần.

Trong họp báo gần đây nhất, diễn ra vào đầu tháng này sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất, ông Powell nói “kỳ vọng lạm phát dài hạn có vẻ như vẫn được neo giữ ổn định”. Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ vẫn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, và một số nhà kinh tế cho rằng chặng cuối mới là chặng khó nhất trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed.

FED CẦN LÀM GÌ ĐỂ KIỀM CHẾ KỲ VỌNG LẠM PHÁT?

“Tôi vẫn sẵn sàng ủng hộ việc tăng lãi suất thêm trong một cuộc họp tới đây, nếu các dữ liệu kinh tế sắp tới cho thấy tiến trình giảm lạm phát chững lại hoặc không đủ để đưa lạm phát về mức 2% một cách kịp thời”, Thống đốc Fed Michelle Bowman, một trong những quan chức “diều hâu” nhất của Fed, phát biểu tại một diễn đàn gần đây của Hiệp hội Các nhà ngân hàng New York.

Từ khoá trong phát biểu này của bà Bowman là từ “kịp thời”. Đó là vì lạm phát dai dẳng có thể “thả rông” kỳ vọng lạm phát hoặc khiến cho quan niệm của người Mỹ về lạm phát ngày càng xấu đi. Nhưng liệu chưa rõ liệu lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian bao lâu để có thể dẫn tới tình trạng như vậy.

Ông Tilley nói rằng “Fed đang bi quan quá mức” khi cho rằng lạm phát phải đến năm 2026 mới giảm về mức 2%. Xét cho cùng, Fed cần giữ niềm tin rằng “bóng ma” lạm phát sẽ đến lúc tan biến. Và theo dữ liệu của Fed chi nhánh New York, việc lạm phát liên tục giảm trong hơn 1 năm qua là cơ sở để tin như vậy.

Một phân tích gần đây của Fed New York về quan điểm của người tiêu dùng Mỹ về lạm phát cho thấy “nguời tiêu dùng hiện nay có đủ hiểu biết về Fed để nhận thấy rằng chính sách của Fed là nhân tố quan trọng nhất phía sau việc lạm phát giảm gần đây và tiếp tục giảm trong tương lai”.

Bởi vậy, việc Fed cần làm để kiểm soát kỳ vọng lạm phát có lẽ chỉ là tiếp tục chứng minh rằng Fed đang đạt tiến bộ trong cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá cả.

“Tôi cho rằng 2% chỉ là một con số. Điều quan trọng hơn là lạm phát đang đi đúng hướng. Điều Fed cần là người tiêu dùng không cho rằng lạm phát sẽ mãi cao hơn 4%”, chiến lược gia trưởng Drew Matus của công ty MetLife Investment Management phát biểu với CNN.

Vậy điều gì đã giữ cho kỳ vọng lạm phát của người Mỹ ổn định được tới bây giờ? Ông Matus cho rằng đó có thể là sự hoài niệm. “Mọi người muốn tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp như quá khứ. Họ đang cố gắng hiện thực hoá những ký ức khi giá cả còn phải chăng. Bởi vậy, điều mà Fed cần thực sự quan tâm bây giờ là rủi ro xảy ra một cú sốc lạm phát ở thời điểm hiện tại”, vị chuyên gia nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate