Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (6/2), trong bối cảnh nhà đầu tư chờ một bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào ngày thứ Ba. Giá dầu tăng khi kết thúc một phiên giằng co, giữa một bên là triển vọng nhu cầu khởi sắc ở Trung Quốc và một bên là mối lo về lãi suất tăng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 34,99 điểm, tương đương giảm 0,1%, đánh dấu phiên giảm thứ ba liên tiếp, còn 33.891,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,61%, còn 4.111,08 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1%, còn 11.887,45 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 9 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ. Mức giảm mạnh nhất thuộc về nhóm dịch vụ truyền thông. Tăng tốt nhất là nhóm tiện ích (utilities), với mức tăng 0,87%.
“Tôi cho rằng thị trường đang trong trạng thái đánh giá lại tình hình. Đó là lý do vì sao các chỉ số giảm một chút. Thị trường đã giảm sau khi báo cáo việc làm được công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước, và tiếp tục giảm thêm một chút trong ngày hôm nay”, ông Sinead Colton Grant - trưởng bộ phận giải pháp nhà đầu tư toàn cầu của BNY Mellon Wealth Management - nhận định với hãng tin CNBC.
Ngày thứ Ba, ông Powell sẽ có một bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington. Đây là sự kiện đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư - những người xem cuộc họp báo của Chủ tịch Fed sau cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 1/2 là mềm mỏng. Khi đó, ông Powell nói rằng quá trình giảm lạm phát trong nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu, và thị trường coi đây là một tín hiệu rằng Fed sẽ sớm chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm hơn.
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh sau cuộc họp của Fed, nhưng sau đó đã giảm điểm mạnh vì báo cáo việc làm cho thấy thị trường lao động của Mỹ vẫn thắt chặt - dữ liệu củng cố khả năng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong một thời gian lâu hơn mới có thể kéo lạm phát về mức mục tiêu.
Thị trường xem lần xuất hiện sắp tới của ông Powell là cơ hội để ông đưa ra những tín hiệu rõ ràng hơn về việc lãi suất sẽ đi đến đâu, hoặc làm rõ hơn những phát biểu mà ông đưa ra trong cuộc họp báo vào tuần trước.
“Tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy ông Powell cố gắng đẩy lùi một số kỳ vọng mà nhà đầu tư đã có từ cuộc họp báo tuần trước”, ông Grant nhận định. Điều này có nghĩa là ông Powell sẽ phải tỏ ra cứng rắn, giữ vững lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ.
Phản ánh nỗi lo lãi suất tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 3,655%, mức cao nhất trong 1 tháng.
Tâm trạng của giới đầu tư ở Phố Wall ở thời điểm hiện tại là sự mắc kẹt giữa một bên là dự báo của Fed rằng lãi suất sẽ tăng lên mức hơn 5% và duy trì sang tận năm 2024, và một bên là việc thị trường đã phản ánh vào giá tài sản khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong năm nay dựa trên kỳ vọng nền kinh tế giảm tốc.
“Thị trường đang kỳ vọng kinh tế giảm tốc… nhưng đây không phải là một nền kinh tế sẽ suy yếu ngay được”, Phó giám đốc đầu tư Brad Conger của Hirtle Callaghan & Co. phát biểu trên Reuters.
Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng lãi suất Fed lập đỉnh trên mức 5,1% vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay, rồi giảm về mức 4,83% vào tháng 12. Dự báo về mức đỉnh và mức chốt năm 2023 của lãi suất như vậy đã tăng 0,3 điểm phần trăm so với trước khi báo cáo việc làm được công bố.
Nỗi lo lãi suất cũng khiến chứng khoán châu Âu và toàn cầu giảm điểm trong phiên đầu tuần, với chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu giảm 0,78% và chỉ số MSCI thế giới giảm 1,12%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,05 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, đạt 80,99 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,72 USD/thùng, tương đương tăng 1%, đạt 74,11 USD/thùng.
Giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid - động thái mở cửa cho sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo một nửa tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay sẽ đến từ Trung Quốc, trong đó nhu cầu xăng hàng không sẽ tăng mạnh.
Tuy nhiên, cũng giống như giá cổ phiếu giá dầu đang chịu áp lực giảm từ khả năng Fed sẽ phải giữ chính sách tiền tệ cứng rắn lâu hơn để khống chế lạm phát. Kỳ vọng chính sách tiền tệ như vậy đẩy tỷ giá đồng USD lên mức cao nhất 3 tuần trong phiên ngày thứ Hai, gây thêm áp lực giảm giá lên dầu thô.
Hôm Chủ nhật vừa rồi, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức áp trần giá lên các sản phẩm dầu tinh luyện từ Nga. Theo đó, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), EU và Australia nhất trí áp trần giá 100 USD/thùng lên các sản phẩm diesel và dầu tinh luyện khác có giá cao hơn so với giá dầu thô và 45 USD/thùng đối với giá sản phẩm có giá thấp hơn dầu thô, chẳng hạn dầu nhiên liệu (fuel oil).
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin tiếp tục ổn định quanh ngưỡng 23.000 USD. Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin đứng ở 22.756 USD, giảm hơn 0,8% trong vòng 24 tiếng và giảm gần 0,4% trong vòng 1 tuần – theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com.