Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/2 tuyên bố đã đạt tới một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát, nhưng nói rằng “chiến thắng” trong cuộc chiến này đòi hỏi lãi suất tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao ít nhất cho tới hết năm 2023.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài trong 2 ngày, Fed quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 4,5-4,75%. Đây là lần nâng lãi suất thứ 8 của Fed trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu vào tháng 3 năm ngoái. Bước nhảy của lần nâng này đánh dấu một nấc giảm tốc nữa kể từ khi Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 năm ngoái sau 4 đợt nâng liên tiếp với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm.
“QUÁ TRÌNH GIẢM LẠM PHÁT ĐÃ BẮT ĐẦU”
Tuyên bố sau cuộc họp lần này của Fed không còn đề cập đến danh sách dài những lý do khiến giá cả leo thang, từ chiến tranh cho tới đại dịch. Thay vào đó, tuyên bố nói rằng “lạm phát đã suy yếu”.
Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới dự kiến việc tiếp tục tăng lãi suất là cần thiết - một “cam kết ngỏ” không hề đặt ra một mốc thời gian cụ thể để việc nâng lãi suất có thể dừng lại. Sự “nước đôi” của Fed được xem là một cách để đẩy lui kỳ vọng gần đây trên thị trường tài chính rằng Fed sẽ sớm dừng tăng lãi suất và sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
“Giờ đây, chúng ta đã có thể khẳng định lần đầu tiên rằng quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Dù vậy, giới đầu tư lại vui mừng vì một tín hiệu mềm mỏng trong phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại họp báo sau cuộc họp của Fed. Trong suốt cuộc họp báo, ông Powell nhiều lần nói rằng quá trình giảm lạm phát (disinflationary) có vẻ đã bắt đầu. Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm khi ông Powell phát biểu và nhà đầu tư tăng nhẹ đặt cược vào khả năng Fed hạ lãi suất trong 2023.
Tuy nhiên, ông Powell khẳng định chưa đến lúc tính đến việc cắt giảm lãi suất, đồng thời cố gắng cân bằng giữa lằn ranh ngày càng trở nên mong manh giữa một bên là dòng dữ liệu cho thấy lạm phát liên tục suy yếu và một bên là sự cần thiết phải giữ cho công chúng hiểu rằng lãi suất còn tiếp tục tăng.
“Giờ đây, chúng ta đã có thể khẳng định lần đầu tiên rằng quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu”, với giá hàng hoá tăng chậm lại, tình trạng khan hiếm hàng hoá liên quan đến đại dịch dịu đi, và các chuỗi cung ứng quay trở lại tình trạng bình thường - Chủ tịch Fed nói tại họp báo. “Đây là một điều tốt”, ông khẳng định.
Từ mức đỉnh của 41 năm gần 7% vào tháng 6 năm ngoái, thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng đã giảm còn 5% trong tháng 12 vừa qua. Dù vậy, mức lạm phát này vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 3% mà Fed đề ra.
“Đây mới là bước đầu. Chúng tôi phải thận trọng trong việc công bố chiến thắng, trong việc gửi đi những tín hiệu rằng chúng tôi đã thắng trong cuộc chiến này. Bởi vì chúng tôi còn một chặng đường dài phải đi”, ông Powell phát biểu.
CHƯA CÓ TÍN HIỆU VỀ MỨC LÃI SUẤT CỰC ĐẠI
Cũng theo ông Powell, những khu vực quan trọng của nền kinh tế, bao gồm nhiều mảng lớn của khu vực dịch vụ, vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc của lạm phát. Cùng với đó, số lượng công việc cần tuyển dụng lớn và tiền lương tiếp tục tăng mạnh cho thấy thị trường lao động vẫn đang trong trạng thái “cực kỳ thắt chặt”.
“Thị trường lao động đang tiếp tục mất cân đối”, ông Powell nói, đề cập đến việc các quan chức Fed nhận thấy rằng tỷ lệ thất nghiệp cần tăng lên từ mức 3,5% hiện tại thì lạm phát mới có thể hoàn tất hành trình giảm về 2%.
Tuyên bố ngày 1/2 của Fed đánh dấu lần đầu tiên ngân hàng trung ương này thừa nhận lạm phát đang giảm, sau một năm chứng kiến giá cả ở Mỹ tăng mạnh hơn dự báo và đòi hỏi Fed phải triển khai những đợt tăng lãi suất mạnh tay liên tiếp. Những động lực mà trong suốt 1 năm qua Fed luôn nói là nguyên nhân đẩy giá cả tăng cao, gồm đại dịch Covid-19, đã không còn được nhắc đến trong tuyên bố lần này hoặc chỉ được đề cập đến như một nguồn gây ra “sự bấp bênh toàn cầu” thay vì gây lạm phát, như xung đột ở Ukraine.
Tổng mức nâng lãi suất của Fed trong chu kỳ này hiện là 4,5 điểm phần trăm. Mức lãi suất hiện tại là cao nhất kể từ năm 2007.
Chiến dịch thắt chặt này của Fed chưa thể hiện toàn bộ ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng đến nay đã hấp thụ bớt mà không lạm chệch hướng sự tăng trưởng kinh tế “khiêm tốn” và đà tăng trưởng việc làm “mạnh mẽ” như Fed đề cập trong tuyên bố mới nhất. Chính sự vững vàng này của nền kinh tế là lý do khiến Fed quyết tâm tiếp tục nâng lãi suất.
Với lạm phát còn cao và nhu cầu trong nền kinh tế vẫn mạnh hơn dự báo, ông Powell nói rằng vẫn còn chưa rõ lãi suất cần tăng tới đâu. Hồi tháng 12, Fed dự kiến lãi suất cần tăng lên mức cực đại là 5-5,25%. Điều này nhất quán với một nhận định của ông Powell bên lề cuộc họp báo rằng lãi suất có thể phải tăng thêm “đôi lần” nữa.
“Nếu bạn muốn có những tín hiệu rõ ràng về việc bao giờ lãi suất ngừng tăng, bạn không đạt được mong muốn đó sau cuộc họp này của Fed. Fed vẫn giữ quan điểm ‘tiếp tục tăng lãi suất’, để ngỏ những lựa chọn tuỳ thuộc vào các số liệu kinh tế tiếp theo sẽ như thế nào”, trưởng phân tích tài chính Greg McBride của Bankrate nhận định với hãng tin Reuters.
Tín hiệu từ tuyên bố của Fed cho thấy bất kỳ đợt tăng lãi suất nào trong thời gian tới cũng sẽ áp dụng bước nhảy 0,25 điểm phần trăm. Tuyên bố không còn đề cập đến “tốc độ” tăng lãi suất trong tương lai, mà thay vào đó dùng từ “mức độ” thay đổi lãi suất.
Các nhà hoạch định chính sách Fed hy vọng Fed có thể tiếp tục kéo lạm phát xuống mà không gây ra một cuộc suy thoái sâu hoặc khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Trong lần họp này, Fed không đưa ra các dự báo kinh tế mới, nhưng cam kết giữ mục tiêu lạm phát bình quân 2%. Việc cập nhật dự báo kinh tế sẽ diễn ra trong cuộc họp tháng 3 của Fed.