Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (20/10) dưới sức ép từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao. Giá dầu thô có lúc tăng mạnh nhưng chốt phiên trong trạng thái gần như đi ngang do tác động của những yếu tố trái chiều.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 90,22 điểm, tương đương giảm 0,3%, còn 30.333,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, còn 3.665,78 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,6%, còn 10.614,84 điểm.
Trước phiên giảm này, chứng khoán Mỹ đã tụt điểm trong phiên ngày thứ Tư, sau hai phiên tăng mạnh liên tiếp vào đầu tuần. Cả ba chỉ số cùng “xanh” ở đầu phiên giao dịch, với Dow Jones có lúc tăng gần 400 điểm. Tuy nhiên, đà tăng của lợi suất đã “dội một gáo nước lạnh” vào thị trường. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc lên tới 4,239%, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Các báo cáo tài chính công bố trong phiên này có cả tốt và xấu. AT&T và IBM là hai trong số những cổ phiếu tăng giá nhờ kết quả kinh doanh quý 3 tốt hơn dự báo. Tuy nhiên, một số công ty như Snap chứng kiến cổ phiếu tụt giá vì tình hình doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng.
Theo nhà quản lý quỹ Jamie Cox của Harris Financial Group, phiên ngày thứ Năm phản ánh bức tranh chung của thị trường, trong đó các nhà đầu tư với tâm trạng bất an thường đưa ra quyết định tức thì dựa trên các tin tức trong ngày. Ông Cox nói rằng nhà đầu tư đang ngày càng chuyển sang áp dụng chiến lược ngắn hạn vì nhận thấy chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tạo ra một môi trường có mức độ biến động lớn. Fed được cho là sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay trong thời gian tới để chống lạm phát.
“Thị trường đang tìm kiếm bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy lạm phát đang dịch chuyển theo hướng mà Fed có thể giãn tiến độ tăng lãi suất. Về cơ bản, nhà đầu tư đang phớt lờ phát biểu của các quan chức Fed nói. Mức độ biến động rất lớn vì mọi người đều đang cố chờ tín hiệu về một sự dịch chuyển của Fed”, ông Cox nói với hãng tin CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,14 USD/thùng, chốt ở 92,57 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,16 USD/thùng, chốt ở 85,71 USD/thùng.
Trước đó trong phiên, giá cả hai loại dầu này đều có thời điểm tăng hơn 2 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục chịu áp lực giảm từ chính sách tiền tệ cứng rắn của Fed và nguy cơ suy thoái kinh tế. Phát biểu ngày thứ Năm, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker nói rằng để chống lạm phát, Fed sẽ cố gắng hãm phanh nền kinh tế và sẽ tiếp tục tăng lãi suất ngắn hạn.
Đồng USD hồi giá sau tuyên bố trên, đặt thêm áp lực giảm lên giá dầu.
“Ông Harker cho thấy rằng cuộc chiến chống lạm phát của Fed mới chỉ bắt đầu. Điều này khiến thị trường lo lắng”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.
Tuy nhiên, giá dầu cũng nhận được hỗ trợ từ thông tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh vào nước này xuống còn 7 ngày từ 10 ngày trước đó. Thông tin này được nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.
“Đây được xem là một chỉ báo tích cực về nhu cầu đối với thị trường”, ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch năng lượng tương lai của Mizuho ở New York, nhận định.
Ngoài ra, giá dầu cũng đang được hỗ trợ bởi việc Liên Minh châu Âu (EU) chuẩn bị chính thức thực thi lệnh cấm vận dầu Nga, và động thái cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày mà OPEC+ công bố vào đầu tháng này. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga.
Tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố xả 15 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược nhằm kéo giá xăng dầu ở Mỹ xuống trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11. Tuy nhiên, tuyên bố này không gây nhiều áp lực giảm lên giá dầu vì dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu dự trữ chiến lược của Mỹ trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 1984, dự trữ dầu thương mại cũng bất ngờ giảm.