Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (30/1) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu tăng trở lại nhờ động thái nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 trượt nhẹ 0,06%, còn 4.924,97 điểm. Trái lại, chỉ số Dow Jones tăng 133,86 điểm, tương đương tăng 0,35%, đạt 38.467,31 điểm, đánh dấu phiên lập kỷ lúc thứ 7 liên tiếp trong năm nay. Chỉ số Nasdaq giảm 0,76%, còn 15.509,9 điểm.
Cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày của Fed đã khởi động vào ngày thứ Ba và dự kiến kết thúc vào ngày thứ Tư, với tuyên bố được công bố vào đầu giờ chiều cùng ngày theo giờ địa phương. Tiếp đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có một cuộc họp báo.
Thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 97% Fed không thay đổi lãi suất trong lần họp này - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Điều mà nhà đầu tư chờ đợi từ cuộc họp này của Fed là một tín hiệu dịch chuyển chính sách trong tuyên bố sau cuộc họp, cũng như từ cuộc họp báo của ông Powell.
“Trên phương diện kỹ thuật, các chỉ số chứng khoán Mỹ đang ở trong điều kiện thuận lợi để tăng trong ngắn hạn. Nhưng liệu các thông tin kinh tế vĩ mô trong những ngày tới có thể gây bất lợi cho thị trường hay không? Cho tới khi các nhà đầu cơ giá xuống giành quyền kiểm soát, thị trường sẽ còn duy trì xu hướng lập kỷ lục”, Phó chủ tịch Joseph Cusick của công ty Calamos Investments nhận định với hãng tin CNBC.
Năm nay, S&P 500 đã có chuỗi 6 phiên lập kỷ lục liên tiếp, với động lực đến từ mùa báo cáo tài chính tốt hơn dự báo và các số liệu vĩ mô cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể có được một cuộc hạ cánh mềm trong năm 2024.
Đến nay, đã có 144 công ty thành viên của S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý 4/223, trong đó 79% đạt kết quả vượt dự báo, cao hơn tỷ lệ bình quân 76% của 4 quý trước đó.
Báo cáo ngày thứ Ba từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số vị trí cần tuyển dụng nhân sự trong nền kinh tế bất ngờ tăng lên, phản ánh một thị trường lao động vẫn còn thắt chặt tới mức khó có chuyện Fed có thể cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 3.
“Tôi cho rằng tín hiệu từ Fed trong lần họp này sẽ phù hợp với cốt truyện kinh tế mà chúng ta hy vọng sẽ chứng kiến trong năm 2024, rằng việc giảm lãi suất chỉ có thể bắt đầu trong quý 2. Tôi đang chờ một sự xác nhận rằng đó là kịch bản chính của Fed”, Chủ tịch Peter Tuz của công ty Chase Investment Counsel nhận định với hãng tin Reuters.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 3 tại New York tăng 1,04 USD/thùng, tương đương tăng 1,35%, chốt ở mức 77,82 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3 tăng 0,47 USD/thùng, tương đương tăng 0,57%, chốt ở mức 82,87 USD/thùng.
Nhà đầu tư lạc quan sau khi IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, trong khi thị trường chờ xem Mỹ sẽ phản ứng ra sao với vụ tấn công gây thương vong binh sỹ Mỹ ở Trung Đông vào cuối tuần vừa rồi.
Báo cáo mới nhất từ IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1% trong năm 2024, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10. Cơ sở của động thái nâng triển vọng này là kinh tế Mỹ vững vàng hơn kỳ vọng và Trung Quốc tiếp tục triển khai các biện pháp kích cầu để vực dậy tăng trưởng.
Trong phiên này, giá dầu có lúc giảm hơn 1% sau khi hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia tạm dừng kế hoạch tăng công suất khai thác dầu thô lên 13 triệu thùng/ngày. Động thái này làm dấy lên những lo ngại về bức tranh cung-cầu dầu trong tương lai.
Dấu hiệu xuống thang căng thẳng ở Trung Đông cũng không có lợi cho giá dầu. Lực lượng Hamas của Palestin cho biết đang xem xét một đề xuất ngừng bắt ở dải Gaza - một tín hiệu cho thấy nỗ lực ngoại giao nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến tranh Hamas-Israel có thể bắt đầu phát huy tác dụng.
Trước phiên này, giá dầu đã giảm hơn 1% trong phiên ngày thứ Hai do lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, giá dầu WTI và Brent đã tăng tương ứng 8,6% và 7,5% trong năm nay, một phần nhờ sự vững vàng của kinh tế Mỹ, một phần do mối lo chiến tranh lan rộng ở Trung Đông.
Thị trường đang chờ xem Mỹ có phản ứng ra sao với vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái của phiến quân do Iran hậu thuẫn khiến 3 binh sỹ Mỹ thiệt mạng và ít nhất 34 người khác bị thương ở Jordan hôm Chủ nhật. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố phiến quân thân Iran ở Syria và Iraq phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này và Washington “sẽ có tất cả những hành động cần thiết để bảo vệ nước Mỹ, binh lính Mỹ và lợi ích Mỹ”.
Trong khi đó, người phát ngôn John Kirby của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dường như hạ thấp khả năng về một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran. “Chúng tôi không mong muốn một cuộc chiến tranh với Iran. Chúng tôi không muốn leo thang căng thẳng thêm nữa”, ông Kirby nói.
Về phần mình, Iran phủ nhận có bất kỳ sự dính líu nào đến vụ tấn công nói trên.