Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (7/4), sau hai phiên liên tiếp đi xuống, trong lúc nhà đầu tư tiếp tục đánh giá về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Giá đầu thô có thêm một phiên giảm do những bấp bênh quanh việc liệu châu Âu có thể trừng phạt xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 87,06 điểm, tương đương tăng 0,25%, đạt 34.583,57 điểm. Chỉ số S&P5 00 tăng 0,43$, đạt 4.500,21 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,06%, đạt 13.897,3 điểm.
Các chỉ số đã giằng co giữa giảm và tăng trước khi chốt phiên trong trạng thái tăng. Mức độ biến động cao xuất phát từ việc nhà đầu tư tiếp tục “mổ xẻ” khả năng Fed thực thi một chính sách tiền tệ thật quyết liệt để chống lại đà leo thang của lạm phát vốn đang ở mức cao nhất 40 năm tại Mỹ.
Biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed công bố vào hôm thứ Tư tuần này cho thấy Fed dự kiến cắt giảm 95 tỷ USD trái phiếu trong bảng cân đối kế toán. Ngoài ra, biên bản cũng cho thấy Fed có ý định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm ít nhất một cuộc họp trong năm nay.
“Thị trường đang trong xu thế giằng co, không rõ hướng, và tình trạng này sẽ duy trì trong một thời gian”, chiến lược gia Stephanie Link của Hightower nhận định. “Đó là bởi có quá nhiều điều chưa rõ ràng trong tâm trí nhà đầu tư”.
Ngoài mối lo về chính sách tiền tệ và cuộc chiến tranh chưa có hồi kết giữa Nga và Ukraine, nhà đầu tư còn đang chờ một mùa báo cáo kết quả kinh doanh mới dự kiến bắt đầu vào tuần tới bằng loạt báo cáo từ các nhà băng lớn gồm JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Wells Fargo.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,49 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, chốt ở 100,58 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,2 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 96,03 USD/thùng.
Trước đó, giá cả hai loại dầu đã giảm hơn 5% trong phiên ngày thứ Tư, xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 16/3.
Giá dầu giảm khi thị trường cho rằng châu Âu khó đưa ra được một biện pháp trừng phạt hiệu quả đối với năng lượng Nga. Bên cạnh đó, các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nhất trí một đợt xả dự trữ dầu 60 triệu thùng để tăng cung cho thị trường. Con số này chưa bao gồm 180 triệu thùng dầu dự trữ chiến lược mà Mỹ trước đó tuyên bố sẽ bắt đầu cung ra thị trường từ tháng 5.
Giá “vàng đen” cũng đang chịu áp lực giảm từ mối lo rằng phong toả ở Trung Quốc để chống sự bùng dịch Covid-19 sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Phát biểu ngày 7/4, ông Josep Borrell – nhà ngoại giao cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) – nói rằng các biện pháp trừng phạt mới của khối này đối với Nga, bao gồm cấm nhập khẩu than Nga, có thể được thông qua vào ngày thứ Năm hoặc thứ Sáu, và tiếp đó khối sẽ bàn đến việc cấm vận dầu Nga.
Tuy nhiên, nếu có được thông qua, lệnh cấm than Nga sẽ có hiệu lực đầy đủ từ giữa tháng 8 trở đi, muộn hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu.
“Chẳng ai muốn tự bắn vào chân mình bằng cách trừng phạt năng lượng Nga. Việc này đang hỗ trợ cho giá dầu”, ông Bob Yawger, chuyên gia về năng lượng của Mizuho, nói về sự chần chừ của EU trong việc trừng phạt xuất khẩu năng lượng của Nga.
Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu thô giảm giá của Nga, khiến thị trường bớt lo về nguy cơ thiếu hụt 2-3 triệu thùng dầu từ Nga mỗi ngày do các nhà giao dịch phương Tây từ chối mua bán dầu Nga.
“Xét về số lượng, mối lo về nguồn cung thắt chặt đã không còn căng thẳng như trước nữa. Điều này đang được phản ánh vào xu hướng giá dầu”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định, nhấn mạnh rằng giá dầu Brent đã giảm khoảng 12 USD/thùng kể từ khi Mỹ công bố xả dự trữ dầu vào tuần trước.