May 17, 2022 | 08:01 GMT+7

Chứng khoán Mỹ lại tụt, giá dầu tăng nhờ hy vọng từ Trung Quốc, Bitcoin hồi mốc 30.000 USD

Bình Minh -

“Thị trường đang tiếp tục trải qua một cuộc dịch chuyển, với lãi suất giữ vai trò nhân tố chi phối sự định giá lại các tài sản”...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ lại giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (16/5), khi giá cổ phiếu ở Phố Wall khó hồi phục sau cú giảm mạnh vào tuần trước, trong bối cảnh giới đầu tư đánh giá về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Giá dầu tăng nhờ hy vọng vào nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh, trong khi giá Bitcoin chật vật tái lập mốc 30.000 USD.

Phiên đầu tuần chứng kiến sự giằng co mạnh của các chỉ số. S&P 500 chốt phiên với mức giảm 0,39%, còn 4.008,01 điểm, cho dù đã có lúc tăng 0,99% trong phiên. Chỉ số Nasdaq giảm 1,2%, còn 11.662,79 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones đóng cửa trong trạng thái tăng, với mức tăng khiêm tốn 26,76 điểm, tương đương tăng 0,08%, đạt 32.223,42 điểm.

Cổ phiếu công nghệ tiếp tục là rào cản cho sự phục hồi của thị trường phiên này. Loạt cổ phiếu của các công ty điện toán đám mây giảm mạnh, như Datalog, Cloudflare và Atlassian giảm tương ứng 10,7%, 13,6% và 6,3%. Cổ phiếu của hãng xe điện Tesla tụt 5,9%.

Trong tuần trước, tâm lý bi quan đã phủ bóng lên Phố Wall, khi nhà đầu tư cùng lúc lo lắng về sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ, chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), và lạm phát vẫn ở gần đỉnh của 40 năm. Đến tuần trước, Dow Jones đã giảm 7 tuần liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất của chỉ số kể từ năm 2001. S&P 500 cũng đã có 6 tuần giảm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ 2011.

“Thị trường đang tiếp tục trải qua một cuộc dịch chuyển, với lãi suất giữ vai trò nhân tố chi phối sự định giá lại các tài sản”, Giám đốc đầu tư Bill Northey của US Bank Wealth Management nhận định. “Khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục đi lên do kỳ vọng lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt lại, chúng ta đã và đang chứng kiến sự điều chỉnh nhất quán và trên diện rộng trong sự định giá tài sản phù hợp với mối lo lạm phát đó”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh trong năm nay, khi Fed tăng lãi suất và rút lại chương trình mua tài sản để chống lạm phát. Vào đầu năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm còn ở mức khoảng 1,5%. Đến đầu tháng 5, lợi suất này có lúc nhảy vọt qua mốc 3%, trước khi giảm dưới mốc 2,9% trong phiên ngày thứ Hai.

Cùng với đà tăng của lợi suất, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng tụt khỏi mức kỷ lục. Dow Jones và S&P 500 hiện giảm tương ứng 12,8% và 16,8% so với đỉnh cao mọi thời đại thiết lập hồi tháng 1. Nasdaq đang chìm sâu trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống, giảm gần 28% so với kỷ lục thiết lập hồi tháng 11.

Diễn biến chỉ số S&P 500 từ đầu năm đến nay.
Diễn biến chỉ số S&P 500 từ đầu năm đến nay.

Một số nhà phân tích tin rằng với độ giảm như vậy, thị trường sắp mở ra những cơ hội hấp dẫn để mua vào, nếu xét đến triển vọng dài hạn. “S&P 500 đang giảm nhanh tới mức mà theo kinh nghiệm lịch sử, phản ánh rằng các mối lo về triển vọng tăng trưởng trong tương lai đã được phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu”, nhà phân tích Scott Chronert của Citibank nhận xét.

Trong khi đó, một báo cáo ngày 16/5 của RBC Capital Markets cho rằng S&P 500 đang “ở ngã tư đường” vì chưa thể dò ra đáy.

Năng lượng là nhóm cổ phiếu giữ vai trò trụ cột trong S&P 500 phiên này, với mức tăng 2,6%. Occidental Petroleum là cổ phiếu tăng mạnh nhất, với mức tăng 5,7%. Marathon Oil tăng 3,6%.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,4%, đạt 114,24 USD/thùng khi đóng cửa phiên giao dịch. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 3,4%, chốt ở mức 114,2 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin khả quan từ Trung Quốc. Chính quyền Thượng Hải cho biết thành phố 25 triệu dân này dự kiến mở cửa trở lại trên diện rộng và nối lại các hoạt động thường nhật kể từ ngày 1/6. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thượng Hải công bố 15/16 quận của thành phố không còn ca nhiễm Covid-19 bên ngoài khu vực cách ly.

“Chúng tôi đang nhận thấy những tín hiệu cho thấy nhu cầu sắp khởi sắc trở lại ở Trung Quốc, giúp giá dầu tăng lên”, Giám đốc giao dịch năng lượng Bob Yawger của Mizuho phát biểu.

Tuy nhiên, hiện vẫn đang có khoảng 46 thành phố Trung Quốc đang phong toả để chống Covid, gây cản trở các hoạt động mua sắm, sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Số liệu mới nhất cho thấy lượng dầu thô mà các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc dùng làm đầu vào đã giảm 11% trong tháng 4, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Một mỏ dầu ở Neftekamsk, Nga, tháng 11/2020 - Ảnh: Bloomberg/Getty.
Một mỏ dầu ở Neftekamsk, Nga, tháng 11/2020 - Ảnh: Bloomberg/Getty.

Trong một diễn biến khác, giá xăng giao sau tại Mỹ lập thêm kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 16/5, khi lượng tồn kho xăng giảm sút làm dấy lên mối lo về nguồn cung.

Giá dầu cũng được hỗ trợ khi giới chức Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lạc quan về khả năng đạt thoả thuận cấm vận dầu Nga, mặc cho những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung ở các nước Đông Âu. Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg nói rằng nước này dự kiến EU sẽ đạt nhất trí về việc cấm vận dầu Nga trong vài ngày tới đây.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin đang nỗ lực lấy lại mốc 30.000 USD, dù gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì mốc quan trọng này. Lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin đứng ở 30.014 USD, giảm 3,4% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate