“Nếu tôi đang vận hành một công ty lớn, thì tôi sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó”, ông Blankfein phát biểu trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS vào ngày 15/5. “Nếu tôi là người tiêu dùng, tôi cũng sẽ chuẩn bị”.
Một cuộc suy thoái đang là điều mà nhiều người “chưa tính đến” và cơ hội để tránh suy thoái là rất “eo hẹp” - cựu CEO Goldman Sachs phát biểu. Ông cũng nói thêm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có “những công cụ rất mạnh” để kiềm chế lạm phát và đang “phản ứng tốt” với lạm phát.
Với giá xăng lập kỷ lục mới và tình trạng khan hiếm sữa bột trẻ em trở thành những thước đo hữu hình cho tâm trạng bất an của người Mỹ, tâm lý người tiêu dùng nước này đã giảm vào đầu tháng 5 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 8,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 8,5% ghi nhận trong tháng 3, nhưng vẫn thuộc hàng cao nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Những phát biểu trên của ông Blankfein được đưa ra cùng ngày khi Goldman Sachs cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tới - một động thái phản ánh những biến động mạnh gần đây trên thị trường tài chính.
Các chuyên gia của Goldman Sachs dự báo tổng sản phẩm kinh tế (GDP) của Mỹ tăng 2,4% trong năm nay, từ mức 2,6% đưa ra trong lần dự báo trước. Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2023 được Goldman Sachs hạ về 1,6% từ 2,2%.
Bản báo cáo gọi đây là một “sự giảm tốc tăng trưởng cần thiết” để kiềm chế đà tăng của tiền lương và góp phần đưa lạm phát trở về mục tiêu 2% của Fed. Giảm tốc tăng trưởng sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp bị đẩy lên, nhưng Goldman Sachs lạc quan rằng tình trạng tăng mạnh về tỷ lệ thất nghiệp là điều có thể tránh được.
Cũng theo ông Blankfein, lạm phát cũng sẽ dịu đi khi các nút thắt chuỗi cung ứng được giải toả và Trung Quốc nới các biện pháp chống Covid-19, nhưng “một số yếu tố gây lạm phát sẽ dai dẳng hơn, chẳng hạn như giá năng lượng cao”.
Trong một khoảng thời gian dài, người Mỹ đã hưởng lợi từ toàn cầu hoá - tiến trình giúp cho các hàng hoá và dịch vụ trở nên rẻ hơn nhờ nguồn lao động giá rẻ ở nước ngoài, ông Blankfein nhấn mạnh.
“Chúng ta đã trở nên thoải mái như thế nào với những chuỗi cung ứng không nằm trong biên giới của nước Mỹ và chúng ta không thể kiểm soát?” ông Blankfein đặt câu hỏi. “Chúng ta có cảm thấy ổn khi tất cả con chip mà chúng ta sử dụng đều đến từ Đài Loan?”
Những nhận định của Goldman Sachs và cá nhân ông Blankfein bổ sung thêm vào những đánh giá bi quan gần đây về kinh tế Mỹ.
Trong một cuộc trao đổi với trang Marketplace hôm 12/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng việc kéo lạm phát về tầm kiểm soát có thể gây ra một số tổn thất đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn sẽ là ưu tiên số 1 của Fed hiện nay. Ông Powell nói ông không thể cam kết về một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế khi Fed nâng lãi suất để khống chế tốc độ tăng giá đang ở ngưỡng cao nhất hơn 40 năm.
“Hạ cánh mềm là đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% trong khi vẫn duy trì được sức mạnh cho thị trường lao động. Đó là một nhiệm vụ khó ở thời điểm này vì một số lý do”, ông Powell nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng lo ngại rằng nếu Fed không chống lạm phát thật quyết liệt, lạm phát có thể trỗi dậy mạnh mẽ hơn, khiến Fed phải tăng lãi suất lâu hơn và cao hơn, khiến nền kinh tế càng tổn thất nhiều hơn. Trong trường hợp như vậy, kinh tế Mỹ có thể rơi vào một cuộc suy thoái kép như hồi thập niên 1980.
“Suy thoái kép là một khả năng có thể trở thành hiện thực nếu Fed quá dè dặt để thực sự đưa lạm phát về tầm kiểm soát”, chiến lược gia trưởng toàn cầu Seema Shah của Principle Global Investors nhận định.
“Fed cần làm việc gì đó thực sự quyết liệt. Nếu họ dừng thắt chặt quá sớm, lạm phát sẽ có cơ hội ‘bốc đầu’ trở lại. Những gì đã xảy ra vào đầu những năm 1980 là một bài học”, bà Shah nói với trang CNN Business.