August 19, 2023 | 07:30 GMT+7

Chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ tư liên tiếp, VFS giảm 23% còn 15,4 USD/cổ phiếu

Bình Minh -

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/8), hoàn tất một tuần giảm điểm, trong bối cảnh các chỉ số tiếp tục đương đầu với áp lực giảm từ nỗi lo lãi suất “cao hơn lâu hơn” suốt từ đầu tháng tới nay...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Cổ phiếu VinFast giảm phiên giảm thứ ba liên tiếp, trong khi giá dầu thô đi lên nhưng có tuần giảm đầu tiên sau chuỗi 7 tuần tăng không nghỉ.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 25,83 điểm, tương đương tăng 0,07%, chốt ở mức 34.500,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,01%, còn 4.369,71 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,2%, còn 13.290,78 điểm.

Cả tuần này, Dow Jones giảm khoảng 2,2%, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.

S&P 500 có tuần giảm thứ ba liên tiếp, với mức giảm 2,1%. Đây là chuỗi 3 tuần giảm đầu tiên của thước đo giá cổ phiếu rộng nhất ở Phố Wall kể từ tháng 2 năm nay.

Nasdaq giảm khoảng 2,6% trong tuần, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp - chuỗi tuần giảm dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 12/2022.

“Tôi có cảm giác như thị trường không còn giữ được sự lạc quan hồi tháng 7, thời điểm mà mọi người tin tưởng nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm. Bây giờ, thị trường vẫn thấy kinh tế tăng trưởng, nhưng đã xuất hiện những dấu hỏi về việc liệu lãi suất cần phải tăng đến đâu. Bởi thế, mối lo chính lúc này là về lợi suất trái phiếu”, chiến lược gia Michelle Cluver của công ty Global X ETF nhận định với hãng tin Reuters.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2022 vào hôm thứ Năm tuần này. Cú tăng này diễn ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 7 cho thấy ngân hàng trung ương này vẫn có thể tăng thêm lãi suất vì các nhà hoạch định chính sách còn lo lắng nhiều về lạm phát.

Tuy nhiên, trong phiên ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quay đầu giảm nhẹ. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm 5 điểm cơ bản, còn 4,25%.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall sẽ hướng tới phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên ở Jackson Hole.

Nối tiếp đà giảm mạnh của hai phiên ngày thứ Tư và thứ Năm, cổ phiếu hãng xe điện VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq sụt thêm 23% trong phiên ngày thứ Sáu, còn 15,4 USD/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch, có thời điểm, mã VFS này giảm 35%. Mức giá đóng cửa của VFS phiên này đã giảm 30% so với mức giá chào sàn hôm thứ Ba là 22 USD/cổ phiếu.

Giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Bitcoin đã giảm mạnh trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ 7 trong vòng 8 tuần trở lại đây và là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11.

Theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com, giá Bitcoin lúc gần 7h sáng nay (19/8) theo giờ Việt Nam đứng ở mức 26.042 USD, giảm hơn 3% so với cách đó 24 tiếng và giảm khoảng 11,4% cả tuần.

Giá Bitcoin gặp áp lực giảm mạnh từ hôm thứ Năm, sau khi tờ Wall Street Journal đăng tin nói rằng công ty khai phá vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk trong năm 2021-2022 đã ghi bút toán giảm 373 triệu USD đối với giá trị của số Bitcoin mà công ty này nắm giữ, đồng thời bán ra Bitcoin.

“Đợt bán tháo Bitcoin này có vẻ như xuất phát từ mối lo sợ rằng SpaceX bán tháo Bitcoin. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào về việc đó, và mức thanh khoản thấp trên thị trường dẫn tới giá biến động mạnh hơn”, nhà sáng lập Darius Tabatabai của sàn giao dịch tiền ảo phi tập trung Vertex Protocol nhận định với hãng tin CNBC.

Giá Bitcoin đã suy yếu trong quý 3 này, khoảng thời gian vốn thường trầm lắng hàng năm của thị trường tiền ảo. Tính từ đầu quý tới nay, Bitcoin đã giảm 14,25%. Riêng trong tháng 8, giá Bitcoin đã giảm 10,69%. Dù vậy, giá của đồng tiền ảo này đã tăng khoảng 57% từ đầu năm.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,86 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 81,25 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,68 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở mức 84,8 USD/thùng.

Giá dầu tăng nhờ dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ tăng chậm lại. Số liệu từ ngành công nghiệp dầu lửa Mỹ cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở nước này - một chỉ báo sớm về sản lượng dầu trong tương lai - đã giảm 6 tuần liên tiếp. Sản lượng dầu của Mỹ nếu giảm sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu trong thời gian còn lại của năm nay.

Trước khi giảm trong tuần này, giá dầu đã tăng 7 tuần liên tiếp kể từ tháng 6 do mối lo về sự thắt chặt nguồn cung trong bối cảnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, kiên trì cắt giảm sản lượng.

Tuần này, giá dầu giảm 2%. Trước đó, trong kỳ 7 tuần kéo dài đến ngày 11/8, giá dầu Brent tăng khoảng 18% và giá dầu WTI tăng 20%.

Gây áp lực giảm lên giá dầu những phiên gần đây là mối lo về kinh tế Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này đang trở nên nghiêm trọng hơn, với việc công ty Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ và công ty Country Garden đối mặt khả năng vỡ nợ. Những diễn biến này khiến nhà đầu tư lo ngại về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, dẫn tới giảm ham thích đối với các tài sản rủi ro.

“Giá dầu đang bị giằng co giữa sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và nguồn cung dầu thắt chặt. Giá dầu sẽ tiếp tục biến động không rõ xu hướng”, nhà quản lý danh mục Rob Haworth của US Bank Asset Management nhận định.

Cùng quan điểm, CEO Jay Hatfield của công ty Infrastructure Capital Management dự báo giá dầu sẽ giao dịch trong vùng 75-90 USD/thùng trong những tháng tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate