Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (10/6), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng lập kỷ lục đóng cửa mới nhờ lực tăng của cổ phiếu công nghệ trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô tăng gần 3% trong lúc nhà đầu tư chờ đợi những thông tin mới về lãi suất và lạm phát.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,26%, đạt 5.360,79 điểm. Nasdaq tăng 0,35%, đạt 17.192,53 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 69,5 điểm, tương đương tăng 0,18%, đạt 38.868,04 điểm.
Cổ phiếu công nghệ giữ vai trò chính là nhóm dẫn dắt sự đi lên của thị trường trong phiên này. Hãng sản xuất con chip khổng lồ Nvidia chứng kiến giá cổ phiếu tăng 0,8% sau khi việc chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 10:1 chính thức có hiệu lực. Cổ phiếu Meta Platforms - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook - tăng gần 2%.
Tuần này, thị trường sẽ trải qua hai “bài kiểm tra” quan trọng khi đối mặt với kết quả cuộc họp của Fed và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đều được đưa ra vào ngày thứ Tư. Cả hai đều được kỳ vọng sẽ mang tới những tín hiệu rõ ràng hơn về đường đi của lãi suất trong thời gian tới, nhất là sau khi báo cáo việc làm mạnh hơn dự báo mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước đã dập tắt những hy vọng về việc Fed có thể sớm giảm lãi suất.
Lần họp này, Fed sẽ công bố dự báo kinh tế cập nhật hàng quý, trong đó có “dot-plot”, dự báo của các thành viên trong Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) về lãi suất. Dữ liệu “dot-plot” sẽ mang tới những tín hiệu mới về thời điểm và tần suất của các đợt giảm lãi suất. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng Fed chỉ có một lần giảm lãi suất trong năm nay vào tháng 11.
“Có vẻ như ai cũng muốn Fed giảm lãi suất, nhưng Fed chưa có đủ cơ sở để làm việc đó. Bởi vậy, thị trường đang nóng lòng chờ đến buổi sáng ngày thứ Tư, khi dữ liệu CPI được công bố để có thêm định hướng về lãi suất. Thị trường cũng chờ buổi chiều ngày thứ Tư, khi có kết quả cuộc họp của Fed, để có những thông tin rõ ràng hơn”, ông Jim Barnes - Giám đốc phụ trách đầu tư trái phiếu tại công ty Bryn Mawr - nhận định với hãng tin Reuters.
Chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA nói rằng lạm phát vẫn đang dai dẳng ở mức cao, gây lo ngại cho nhà đầu tư. “Đối với tôi, mối lo lớn là Fed đi chưa đủ xa và chưa đủ lâu. Tôi cho rằng mối lo này ít nhất sẽ khiến cho thị trường giằng co trong vùng hẹp và khó tăng cao hơn trong ngắn hạn”, ông Stovall nói với hãng tin CNBC.
Vị chiến lược gia dự báo trong vài tuần tới đây, thị trường có thể xảy ra một cuộc điều chỉnh nhẹ, với mức giảm ít nhất 5%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 7 tăng 2,21 USD/thùng, tương đương tăng 2,93%, chốt ở mức 77,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 2,01 USD/thùng, tương đương tăng 2,52%, chốt ở mức 81,63 USD/thùng.
Dầu tăng giá khi giới phân tích dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong mùa hè sẽ đẩy thị trường vào trạng thái thiếu cung trong những tuần tới đây. Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng giá dầu Brent có thể đạt mốc 86 USD/thùng trong quý 3 năm nay, khi nhu cầu đi lại và làm mát trong mùa hè khiến thị trường dầu toàn cầu rơi vào cảnh thiếu cung 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã tăng 8,5% và giá dầu Brent tăng 5,9%. Tuần trước, giá dầu giảm vì Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh nhất trí bắt đầu tăng sản lượng dầu trở lại trong thời gian từ tháng 10 năm nay đến hết tháng 9/2025.
“Thị trường năng lượng đang tiếp tục phục hồi sau tuyên bố của OPEC+”, chiến lược gia cấp cao Ryan McKay của công ty TD Securities nhận định. Ông McKay cho rằng quyết định của OPEC+ gây hiệu ứng nới lỏng đối với các yếu tố nền tảng trên thị trường dầu, nhưng giá dầu sẽ tìm được sự hỗ trợ nhất định vì OPEC+ “nhiều khả năng sẽ tránh gây ra tình trạng dư cung quá mức”.
Goldman Sachs dự báo 75 USD/thùng sẽ là một ngưỡng giá sàn đối với dầu Brent, bởi giá dầu thấp hơn sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu, trong khi 90 USD/thùng sẽ là một ngưỡng giá trần, do lượng dầu tồn trữ trên toàn cầu còn cao hơn dự báo và do kế hoạch nâng sản lượng của OPEC+.
Theo một phân tích của ngân hàng UBS, các vị thế đầu cơ giá lên (long) trên thị trường dầu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2011, trong khi các vị thế đầu cơ giá xuống (short) đang ở gần mức cao kỷ lục.
“Chúng tôi cho rằng thị trường đang bi quan quá mức”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định, cho rằng lượng dầu tồn trữ sẽ giảm trong những tuần tới và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng thêm từ 2-2,5 triệu thùng/ngày trong thời gian từ nay đến hết tháng 8.
Ngoài các dữ liệu và dự báo về cung-cầu dầu, thị trường dầu lửa ở thời điểm hiện tại còn quan tâm tới kết quả cuộc họp Fed và báo cáo CPI Mỹ vào ngày thứ Tư, cũng như các báo cáo hàng tháng của OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến được công bố vào ngày thứ Ba và thứ Tư.