Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/6), khi số liệu việc làm mạnh hơn dự báo làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Giá dầu thô cũng giảm vì mối lo lãi suất cao kéo dài sẽ gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,11%, còn 5.346,99 điểm, dù trong phiên có thời điểm đạt mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số Dow Jones trượt 87 điểm, tương đương giảm 0,22%, còn 38.798,99 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 0,23%, còn 17.133,13 điểm.
Dù giảm phiên này, cả ba chỉ số cùng hoàn tất một tuần tăng điểm. Dow Jones tăng 0,29%; S&P 500 tăng 1,32%; và Nasdaq tăng 2,38%.
Bản báo cáo việc làm mà thị trường “phập phồng” chờ đợi suốt những ngày qua đã mang tới những con số gây lo ngại. Đà tăng trưởng mạnh mẽ của việc làm được duy trì đúng là tin tốt về nền kinh tế, nhưng bị coi là tin xấu bởi chừng nào thị trường việc làm còn nóng, áp lực lạm phát sẽ còn dai dẳng và Fed còn có lý do để trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
Thống kê này đã gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu ở Phố Wall, khiến các chỉ số tụt xuống đáy của phiên ngay sau khi báo cáo được công bố vào buổi sáng. Cùng với đó, triển vọng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn khiến lợi suất kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 15 điểm cơ bản.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 272.000 công việc trong tháng 5, cao hơn nhiều so với 190.000 công việc mà giới chuyên gia dự báo trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones và con số 175.000 công việc mới của tháng 4. Tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đều vượt dự báo. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước lên 4%.
Nhà đầu tư vốn dĩ đã hy vọng bản báo cáo cho thấy một thị trường việc làm suy yếu để Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và có 2 lần giảm lãi suất trong năm nay. Nhưng với sự vững vàng của thị trường việc làm như được phản ánh qua báo cáo trên, khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 đã giảm mạnh.
Dù vậy, các chỉ số đã hồi dần sau khi chạm đáy của phiên, vì nhà đầu tư dần lấy lại được sự lạc quan rằng nền kinh tế vẫn chống chọi tốt trong môi trường lãi suất cao.
“Chúng ta nên vui vì có một nền kinh tế khoẻ mạnh. Xét cho cùng, diễn biến thị trường sẽ tuỳ thuộc nhiều vào sức khoẻ nền kinh tế, vào tăng trưởng GDP, vào lợi nhuận của doanh nghiệp, sức khoẻ của người tiêu dùng… Tất cả những yếu tố đó mới là quan trọng trong dài hạn”, ông Gary Cohn - người từng giữ chức Phó chủ tịch hãng công nghệ IBM và Giám đốc Hội đồng kinh tế Quốc gia - nói với hãng tin CNBC.
Sau báo cáo việc làm, thị trường dự báo Fed phải đến tháng 11 mới bắt đầu hạ lãi suất và sẽ chỉ có một đợt giảm duy nhất trong năm nay. Số liệu từ công cụ Fedwatch của nhà cung cấp dữ liệu tài chính LSEG cho thấy khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 chỉ còn khoảng 56%, từ mức 70% vào hôm thứ Năm.
Tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019, gây áp lực lên Fed. Tuy nhiên, Fed được cho là sẽ “án binh bất động” trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới.
Cổ phiếu hãng sản xuất chip Nvidia giảm trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng vẫn chốt tuần với mức tăng 10%. Hôm thứ Năm, cổ phiếu này lập kỷ lục mới, sau khi hãng vượt ngưỡng vốn hoá 3 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào hôm thứ Tư.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 7 tại New York giảm 0,17 USD/thùng, tương đương giảm 0,23%, đóng cửa ở mức 75,38 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,4 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 79,47 USD/thùng.
Đến tuần này, dầu thô đã giảm tuần thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông lắng dịu và những dấu hiệu ảm đạm về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Trong tuần, giá dầu chịu sức ép giảm đáng kể từ việc OPEC+ tuyên bố sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng từ tháng 10 năm nay.
Phiên ngày thứ Sáu, số liệu việc làm tốt hơn dự báo của Mỹ cũng khiến nhà đầu tư bán dầu, vì khả năng Fed trì hoãn giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng bất lợi tới triển vọng nhu cầu dầu. “Báo cáo việc làm là chỉ báo về lãi suất cao hơn lâu hơn, có thể gây ra sự bi quan trên thị trường dầu”, Chủ tịch Andrew Lipow của công ty Lipow Oil Associates nhận định với hãng tin Reuters.
Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh sau báo cáo việc làm, với chỉ số Dollar Index tăng 0,8% lên mức cao nhất trong 1 tuần, cũng gây áp lực giảm lên giá dầu vì dầu được định giá bằng USD.
Dù vậy, mức giảm của giá dầu được hạn chế vì Saudi Arabia và Nga phát tín hiệu sẵn sàng đảo ngược kế hoạch nâng sản lượng nếu giá dầu còn yếu. Hai nước này là thủ lĩnh không chính thức của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,5% và giá dầu WTI giảm 1,9%.