February 13, 2024 | 08:26 GMT+7

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, giá dầu chờ tin Trung Đông

Bình Minh -

Tuần này, các kỳ vọng về lãi suất sẽ tiếp tục bị chi phối bởi số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ. Trong đó, quan trọng nhất là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (12/2), với chỉ số Dow Jones thiết lập đỉnh cao mọi thời đại mới, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ dữ liệu lạm phát mới dự kiến công bố trong tuần này. Giá dầu thô chững lại sau khi tăng mạnh trong tuần trước do lo ngại căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 125,69 điểm, tương đương tăng 0,33%, chốt ở mức 37.797,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,09%, chốt ở 5.021,84 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq trượt 0,3%, còn 15.942,55 điểm, dù trong phiên đã có lúc vượt qua mức kỷ lục đóng cửa cũ thiết lập vào tháng 11/2021.

Hôm thứ Sáu, S&P 500 đóng cửa trên mức 5.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, nên mức tăng nhẹ của phiên này cũng đủ để đưa chỉ số lập thêm một kỷ lục mới. Tính từ đầu năm đến nay, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 5%.

Tính đến tuần trước, cả ba chỉ số cùng ghi nhận chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp, với mức tăng của S&P 500 và Nasdaq trong tuần tương ứng lần lượt là 1,4% và 2,3%. Dow Jones đạt mức tăng nhẹ trong tuần.

Trong 4 tháng qua, cổ phiếu các công ty công nghệ vốn hoá lớn có sự đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã giữ vai trò dẫn dắt sự tăng điểm của thị trường. Ngoài ra, giá cổ phiếu ở Phố Wall cũng hưởng lợi từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay và triển vọng hạ cánh mềm của nền kinh tế - với lạm phát duy trì xu hướng giảm và tăng trưởng vẫn vững vàng.

“Nhiều tin tốt đã được phản ánh vào thị trường, nhưng chúng tôi tin rằng xu hướng tăng được hỗ trợ tốt”, Giám đốc đầu tư Mark Haefele của công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.

Dù vậy, cũng có những ý kiến cho rằng khả năng Fed lùi thời điểm của đợt hạ lãi suất đầu tiên và có ít đợt giảm lãi suất trong năm nay hơn so với kỳ vọng của giới đầu tư có thể sẽ gây áp lực mất giá lên cổ phiếu.

Tuần này, các kỳ vọng về lãi suất sẽ tiếp tục bị chi phối bởi số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ. Trong đó, quan trọng nhất là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Ba. Ngoài ra, còn có các số liệu quan trọng khác công bố vào ngày thứ năm và thứ Sáu, bao gồm doanh thu bán lẻ, sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, số nhà mới khởi công, và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI).

“Báo cáo CPI sẽ là một điểm dữ liệu quan trọng khác phản ánh tình trạng lạm phát và sẽ ảnh hưởng tới các cân nhắc của Fed về tiến độ giảm lãi suất. Trước khi báo cáo này được công bố, không nhà đầu tư nào muốn đặt cược lớn cả”, Giám đốc đầu tư Michael Rosen của công ty Angeles Investments phát biểu với hãng tin Reuters.

Chiến lược gia Megan Swiber của ngân hàng Bank of America cho rằng Fed muốn chờ cho tới khi lạm phát thực sự giảm ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế mới bắt đầu hạ lãi suất.

“Fed nhấn mạnh họ muốn chờ cho tới khi đạt được ‘niềm tin lớn hơn’ về dữ liệu lạm phát mới bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất. Chúng tôi cho rằng một phần của niềm tin mà Fed đang tìm kiếm là sự giảm lạm phát thành phần”, bà Swiber viết trong một báo cáo. “Cho tới thời điểm hiện tại, sự giảm lạm phát chủ yếu do giảm giá hàng hoá, còn lạm phát giá dịch vụ dai dẳng hơn nhiều. Chúng tôi cho rằng tình trạng giảm lạm phát không đều này sẽ còn tiếp tục trong tháng 1”.

Ngoài ra, việc chứng khoán Mỹ tăng quá mạnh và không đều trong mấy tháng qua cũng là một nhân tố có thể dẫn tới sự điều chỉnh trong thời gian tới. Theo dữ liệu của công ty Bespoke Investment Group, trong hơn 70 ngày giao dịch qua, S&P 500 chưa phiên nào giảm 2% trở lên.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,08 USD/thùng, chốt ở mức 76,92 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,19 USD/thùng, chốt ở 82 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu WTI và Brent tăng khoảng 6% mỗi loại, sau khi Israel từ chối một đề xuất ngừng bắn từ phía Hamas và thề chiến đấu cho tới khi giành được chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến tranh ở Gaza. Dù vậy, giá dầu vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng của đồng USD do dịch chuyển trong kỳ vọng về lãi suất Fed, cũng như từ triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc.

Nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhấn mạnh rằng giá dầu đang cho thấy khó khăn trong việc bứt phá khỏi một phạm vi dao động 10 USD/thùng. Theo bà Varga, để giá dầu thực sự bứt phá, cần xảy ra một kịch bản cực đoan, chẳng hạn Mỹ tấn công trực tiếp Iran, dẫn tới gián đoạn nguồn cung dầu tư Trung Đông.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate