February 08, 2024 | 07:00 GMT+7

Mỹ chiếm gần một nửa tổng vốn hoá chứng khoán toàn cầu

Điệp Vũ -

Trong khi các công ty công nghệ Trung Quốc chật vật vì tăng trưởng kinh tế suy giảm và có phần tụt hậu trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI), doanh nghiệp Mỹ hiện chiếm gấn một nửa tổng giá trị vốn hoá của thị trường chứng khoán toàn cầu - mức độ tập trung vốn hoá cao nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Tờ báo Nikkei Asia dẫn số liệu từ nhà cung cấp dữ liệu tài chính FactSet cho biết thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã mất khoảng 1,7 nghìn tỷ USD giá trị vốn hoá thị trường từ cuối năm 2023 đến nay. Vì sự sụt giảm này, tỷ trọng của chứng khoán Trung Quốc trong tổng vốn hoá thị trường chứng khoán toàn cầu tính bằng đồng USD đã giảm còn khoảng 10%, chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh 20% thiết lập vào năm 2015 - thời điểm nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng tốc.

Trong khi đó, tổng vốn hoá của thị trường chứng khoán Mỹ tăng 1,4 nghìn tỷ USD từ cuối năm ngoái đến nay, đạt 51 nghìn tỷ USD. Tỷ trọng vốn hoá của thị trường Mỹ trong thị trường chứng khoán toàn cầu nhờ đó đạt 48,1%, cao nhất kể từ tháng 9/2003. Khoảng cách tỷ trọng vốn hoá của thị trường Mỹ và thị trường Trung Quốc trong chứng khoán toàn cầu vì thế tăng lên mức cao nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi lại vào năm 2001.

Sự gia tăng chênh lệch chủ yếu phản ánh vận may trái chiều của các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ và Trung Quốc.

“Đế chế” thương mại điện tử Mỹ Amazon và Meta - công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook - đạt mức tăng trưởng vốn hoá tổng cộng 510 tỷ USD kể từ cuối năm ngoái, một phần nhờ báo cáo tài chính quý 4/2023 khả quan hơn dự báo mà các doanh nghiệp này công bố vào tuần trước.

So sánh giá trị vốn hoá giữa các thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Trung Quốc (bao gồm thị trườngHồng Kông), Nhật Bản và Ấn Độ. Đơn vị: nghìn tỷ USD.
So sánh giá trị vốn hoá giữa các thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Trung Quốc (bao gồm thị trườngHồng Kông), Nhật Bản và Ấn Độ. Đơn vị: nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba và công ty game và truyền thông xã hội số 1 nước này Tencent chứng kiến vốn hoá “bốc hơi” tổng cộng 31 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.

Ở thời điểm ngày thứ Sáu tuần trước, trong số 500 công ty lớn nhất thế giới về vốn hoá thị trường có 236 doanh nghiệp Mỹ, tăng 15% so với thời điểm cách đây 3 năm. Trái lại, Trung Quốc có 35 công ty trong danh sách này, giảm 60% trong cùng khoảng thời gian. Công cụ tìm kiếm Baidu, hãng thương mại điện tử JD.com và nhà sản xuất ô tô điện Nio là vài trong số những doanh nghiệp Trung Quốc không còn góp mặt trong danh sách này.

Vào cuối năm 2020, Tencent và Alibaba đều góp mặt trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới về giá trị vốn hoá thị trường, bám đuổi sát nút các công ty Mỹ. Các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc này khi đó đã xây dựng được vị thế là các nền tảng dẫn đầu ở thị trường 1,4 tỷ dân. Kỳ vọng lớn về tăng trưởng của các công ty công nghệ Trung Quốc khi đó đã thúc đẩy giới đầu tư toàn cầu mua cổ phiếu các công ty này.

Nhưng trong những năm gần đây, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc đuối sức rõ rệt. Sự phục hồi gây thất vọng của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 đã buộc các công ty công nghệ lớn của nước này cân nhắc lại kế hoạch mở rộng. Chẳng hạn, Alibaba được cho là đang cân nhắc bán bớt mảng kinh doanh tiêu dùng bao gồm các cửa hàng thực phẩm. Nếu được triển khai, đây sẽ là sự dịch chuyển chiến lược của một doanh nghiệp vốn đã có những năm mở rộng mạnh mẽ hoạt động từ kinh doanh trực tuyến tới bán lẻ truyền thống.

Trái lại, đà tăng trưởng ấn tượng bất chấp lãi suất cao của kinh tế Mỹ đã tiếp thêm sức mạnh cho các công ty công nghệ nước này. Mới đây, Alphabet - công ty mẹ của công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới Google - báo doanh thu và lợi nhuận ròng quý 4 đạt kỷ lục nhờ tăng trưởng mạnh ở mảng quảng cáo trực tuyến. Vị thế dẫn đầu của Mỹ trong cuộc đua AI cũng thu hút dòng tiền đổ vào cổ phiếu công nghệ Mỹ.

Hãng chip Mỹ Nvidia, công ty có giá trị vốn hoá thị trường lớn thứ 6 thế giới, đang chiếm vị thé gần như độc quyền về con chip dùng cho công nghệ AI tạo sinh. Các công ty Trung Quốc như Tencent đã mất quyền tiếp cận trực tiếp với những con chip này sau khi Chính phủ Mỹ vào năm 2022 áp lệnh hạn chế bán các sản phẩm con chip tiên tiến cho Trung Quốc trên cơ sở an ninh quốc gia.

Trung Quốc đang nỗ lực phát triển lĩnh vực sản xuất chip trong nước để tự chủ công nghệ, nhưng việc Mỹ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip từ các nhà cung cấp như Applied Materials đã gây trở ngại cho nỗ lực này của Trung Quốc. Hãng gia công chip lớn nhất của Trung Quốc là SMIC đã mất khoảng 1/4 giá trị vốn hoá thị trường từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn đang triển khai chiến dịch nhằm hạn chế ảnh hưởng của các công ty công nghệ trong nước. Cuối năm ngoái, cơ quan chức năng bất ngờ đưa ra hạn chế đối với lĩnh vực trò chơi trực tuyến, một lần nữa cho thấy những rủi ro pháp lý mà nhà đầu tư đối mặt.

Top 10 công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới ở thời điểm tháng 12/2020 và ngày 2/2/2024. Đơn vị: tn = nghìn tỷ USD.
Top 10 công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới ở thời điểm tháng 12/2020 và ngày 2/2/2024. Đơn vị: tn = nghìn tỷ USD.

Quý 4/2023, công ty quản lý tài sản Baron Capital của Mỹ đã giảm đầu tư vào Trung Quốc về 0 trong một quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng toàn cầu - lần đầu tiên kể từ khi quỹ này đi vào hoạt động năm 2012. Nhà quản lý danh mục Alex Umansky của Baron nhấn mạnh rằng việc Chính phủ Trung Quốc tăng cường giám sát các công ty công nghệ và căng thẳng địa chính trị gia tăng là những vấn đề đáng lo ngại.

Không còn nhiều hứng thú với chứng khoán Trung Quốc, giới đầu tư quốc tế đang gia tăng tìm kiếm cơ hội tại các thị trường châu Á khác như Ấn Độ. Số doanh nghiệp Ấn Độ có tên trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới về giá trị vốn hoá thị trường đã tăng gần gấp đôi trong 3 năm qua lên 21 công ty. Kỳ vọng cao về tăng trưởng dân số và tăng trưởng thu nhập của Ấn Độ đã thúc đẩy nhu cầu mua cổ phiếu của các công ty tập trung vào thị trường nội địa của nước này, chẳng hạn công ty bảo hiểm quốc doanh Life Insurance Corp.

Việc nhà đầu tư quan tâm trở lại nhiều hơn tới các công ty có độ ổn định cao của Nhật Bản đã giúp hãm bớt đà giảm tỷ trọng vốn hoá của của thị trường chứng khoán nước này trong thị trường chứng khoán toàn cầu. Giá trị vốn hoá của Toyota tính bằng USD hiện gần ngang với Tencent, đưa hãng xe Nhật vào một cuộc đua giành vị trí doanh nghiệp đắt giá thứ ba tại châu Á sau hãng chip TSMC của Đài Loan và hãng điện tử Samsung Electronics của Hàn Quốc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate