Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (16/5) trong trạng thái không đồng nhất, sau khi cả ba chỉ số cùng thiết lập những kỷ lục nội phiên mới nhờ lạc quan về lãi suất và lợi nhuận của các công ty niêm yết. Giá dầu cũng đi lên khi nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Ở đỉnh của phiên, Dow Jones đạt 40.051,05 điểm, một sự tiếp nối của thị trường đầu cơ giá lên (bull market) bắt đầu từ tháng 10/2022.
Chỉ số blue-chip gồm 30 thành viên này đã tiến sát ngưỡng 40.000 điểm vào đầu năm nay, sau đó quay đầu giảm trong tháng 4 dưới áp lực từ mỗi lo lãi suất cao hơn lâu hơn. Xu hướng tăng được nối lại trong tháng 5 này nhờ lợi nhuận khả quan của các công ty niêm yết và một số dữ liệu kinh tế Mỹ củng cố khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Chốt phiên, Dow Jones tăng 38,62 điểm, tương đương tăng 0,1%, đạt 39.869,38 điểm.
Chỉ số S&P 500 đóng cửa với mức giảm 0,21%, còn 5.297,1 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,26%, còn 16.698,32 điểm.
Trong phiên, S&P 500 cũng có lúc thiết lập một kỷ lục nội phiên mới, sau khi đóng cửa trên mức 5.300 điểm lần đầu tiên trong lịch sử trong phiên ngày thứ Tư. Nasdaq cũng đạt được một đỉnh cao nội phiên mới trong phiên ngày thứ Năm trước khi đóng cửa trong sắc đỏ.
Nếu tính từ đầu năm, Dow Jones đã tăng gần 6%, trong khi Nasdaq và S&P 500 đều đã tăng 11%.
“Thành tựu tăng điểm này là một bản tuyên ngôn và sức mạnh của vốn, sáng tạo, tăng trưởng lợi nhuận và sự vững vàng của nền kinh tế. Xung lực kỹ thuật gần đây và các yếu tố nền tảng đang mạnh, bao gồm triển vọng tích cực về lợi nhuận và lãi suất, đồng nghĩa rằng thị trường còn có khả năng tăng cao hơn trong ngắn hạn”, Giám đốc đầu tư John Lynch của công ty quản lý tài sản Comerica Wealth Management nhận định với hãng tin Reuters.
Chất xúc tác chính đưa Dow Jones vượt 40.000 điểm trong phiên này là cú tăng gần 7% của cổ phiếu Walmart. Hãng bán lẻ lớn nhất thế giới vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 tốt hơn nhiều so với dự báo, và tính đến phiên này, cổ phiếu của hãng đã 21% từ đầu năm.
Động lực cho toàn thị trường những phiên gần đây là kỳ vọng cắt giảm lãi suất và tâm lý lạc quan về trí tuệ nhân tạo (AI). Nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Kỳ vọng này đã tăng lên sau khi số liệu công bố hôm thứ Tư tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng ít hơn so với kỳ vọng. Ngày thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo hàng tuần cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng nhẹ so với tuần trước đó - một dấu hiệu nữa cho thấy sự suy yếu của thị trường lao động, tiếp tục củng cố khả năng Fed giảm lãi suất.
Cổ phiếu công nghệ đã giữ vai trò nhóm cổ phiếu dẫn dắt xu hướng tăng của thị trường từ đầu năm đến nay. Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Amazon, Meta và Nvidia đều đã tăng mạnh, như Amazon tăng 20%.
Ngoài ra, những cổ phiếu lớn khác tăng vượt bậc trong năm nay bao gồm hãng thẻ American Express tăng khoảng 29% và ngân hàng Goldman Sachs tăng 20%. Đây đều là những cổ phiếu hưởng lợi từ sự đặt cược của nhà đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái và người tiêu dùng nước này sẽ tiếp tục chi tiêu.
Nhà phân tích Ross Mayfield của công ty Baird tin rằng xu hướng tăng của thị trường sẽ tiếp diễn. “Sự tăng điểm đang có tất cả những dấu hiệu của một thị trường đầu cơ giá lên mang tính chu kỳ. Chúng tôi cho rằng xu hướng tăng chưa cạn”, ông Mayfield nói với CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,52 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, chốt ở mức 83,27 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,6 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 79,23 USD/thùng.
Dù phần bù rủi ro địa chính trị ở Trung Đông suy giảm, giá dầu được hỗ trợ trong những phiên gần đây nhờ kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9.
Chuyên gia John Kilduff của công ty Again Capital nhận định giá dầu được thúc đẩy trong phiên ngày thứ Năm bởi số liệu thất nghiệp lần đầu của Mỹ. “Dù số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vẫn còn tương đối thấp, bản báo cáo đủ yếu để Fed có thể tiến tới hạ lãi suất. Nhưng mặt khác, thị trường lao động vẫn còn đủ mạnh để kích thích nhu cầu tiêu thụ xăng”, ông Kilduff nhận định.
Tuy nhiên, giới đầu tư trên thị trường dầu còn thận trọng khi chứng kiến nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ đã duy trì dưới 9 triệu thùng/ngày trong 6 tuần liên tiếp, thấp hơn mức bình quân hàng năm.
Mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi ở Mỹ và tình hình Trung Đông bớt căng thẳng là một phần nguyên nhân khiến giá dầu Brent giảm 5,2% từ đầu tháng tới nay và giá dầu WTI giảm 3%. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, giá hai loại dầu đã tăng tương ứng 8% và 10,6%.