Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/10) nhờ lạc quan về mùa báo cáo tài chính, với hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy. Giá dầu thô giảm mạnh sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lần thứ ba liên tiếp trong năm nay cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,77%, đạt 5.859,85 điểm. Dow Jones tăng 201,36 điểm, tương đương tăng 0,47%, đạt 43.065,22 điểm. Đây là mức điểm chốt phiên cao nhất mọi thời đại của mỗi chỉ số, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên Dow Jones vượt mốc 43.000 điểm.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,87%, chốt ở 18.502,69 điểm.
Cổ phiếu công nghệ duy trì xu hướng tăng và là nhóm tăng mạnh nhất trong S&P 500 phiên này. Trong đó, cổ phiếu Nvidia tăng 2,4%, đóng cửa ở mức kỷ lục 138,07 USD/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa thị trường của công ty sản xuất con chip khổng lồ vượt ngưỡng 3,4 nghìn tỷ USD. Nvidia đã tăng khoảng 180% trong năm nay và tăng gấp hơn 9 lần kể từ năm 2023.
Hôm thứ Sáu tuần trước, hai ngân hàng lớn là JPMorgan Chase và Wells Fargo đã khởi động mùa báo cáo tài chính quý 3/2024 bằng những báo cáo khả quan hơn kỳ vọng. Đây được xem là những dấu hiệu sớm về sự phục hồi lợi nhuận trong ngành ngân hàng, và cũng là tín hiệu khả quan về sức khỏe nền kinh tế. Phiên ngày thứ Sáu, cả S&P 500 và Dow Jones đều đóng cửa ở mức kỷ lục.
Tâm lý lạc quan về mùa báo cáo tài chính duy trì trong phiên đầu tuần, khi nhà đầu tư chờ loạt công ty niêm yết tiếp theo công bố kết quả kinh doanh trong tuần này, gồm Bank of America, Goldman Sachs và Johnson & Johnson dự kiến công bố vào ngày thứ Ba; Morgan Stanley và United Airlines dự kiến công bố vào ngày thứ Tư.
Trong số 500 thành viên của S&P 500, đến thời điểm này đã có 30 công ty công bố báo cáo tài chính quý 3. Bình quân, mức lợi nhuận mà các công ty này đưa ra cao hơn khoảng 5% so với kỳ vọng của thị trường.
Theo hãng tin CNBC, tuy lạc quan về việc thị trường lập kỷ lục mới, nhà đầu tư ở Phố Wall vẫn đang có cảm giác lo lắng trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra sau 3 tuần nữa, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh gần dây, bấp bênh về tiến độ giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
“Tâm lý của nhà đầu tư có thể đang bị kéo căng một chút, nên không có gì ngạc nhiên - nhất là trong 3, 4 tuần trước khi diễn ra một cuộc bầu cử - nếu thị trường biến động mạnh hơn. Trong 3-6 tháng tới, chúng tôi vẫn lạc quan về xu hướng tăng điểm của thị trường nhờ lãi suất giảm, triển vọng hạ cánh mềm của nền kinh tế và xu hướng tăng trưởng lợi nhuận”, chiến lược gia Ross Mayfield của Baird nhận định.
S&P 500 đã tăng khoảng 23% trong năm nay, chưa kể cổ tức được tái đầu tư, và xu hướng thị trường giá lên (bull market) của chứng khoán Mỹ đã kéo dài 2 năm nay. Thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã tăng 63% kể từ khi sau khi lập một mức đáy vào tháng 10/2022.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,58 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 77,46 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 1,73 USD/thùng, tương đương giảm 2,29%, còn 73,83 USD/thùng.
Trong báo cáo cập nhật hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm từ mức dự báo tăng 2 triệu thùng/ngày đưa ra trong lần dự báo trước. Về năm 2025, OPEC dự báo mức tăng trưởng nhu cầu 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, so với mức dự báo 1,7 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó.
Đây là lần thứ ba liên tiếp trong năm nay OPEC hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Ngoài ra, giá dầu còn giảm sau khi Trung Quốc vào cuối tuần vừa rồi gây thất vọng vì không đưa ra một gói kích cầu mới bằng chính sách tài khóa. Tình trạng ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và mối hoài nghi của giới đầu tư về những biện pháp kích cầu mà Bắc Kinh đã công bố đã và đang gây áp lực giảm lên giá dầu trong những tháng gần đây.
“Các biện pháp kích cầu bằng chính sách tiền tệ mà Trung Quốc đã công bố không mang lại được sự lạc quan. Cam kết của Bộ Tài chính nước này về vay nợ thêm chưa có đủ chi tiết để thuyết phục và trấn an được nhà đầu tư”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil nhận định.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi căng thẳng ở Trung Đông, khi Israel có thể tấn công trả đũa Iran. Giới chức Mỹ nói với hãng tin NBC News rằng Israel đã sàng lọc được các mục tiêu Iran mà một cuộc tấn công trả đũa có thể nhắm vào, bao gồm các mục tiêu quân sự và hạ tầng dầu khí.