Chính phủ Trung Quốc dành 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 28 tỷ USD, cho các dự án đầu tư của chính quyền các địa phương trong năm nay. Đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng bị giới phân tích đánh giá là “không thấm vào đâu”.
Khoản ngân sách trên được Ủy ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) công bố tại một cuộc họp báo vào hôm thứ Ba tuần này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lộ rõ sự thất vọng vì trước đó họ mong đợi một gói kích cầu lớn hơn bằng chính sách tài khóa. Thị trường chứng khoán Trung Quốc vì thế đã giảm điểm chóng mặt trong phiên ngày thứ Tư, với mức giảm 7,1% của chỉ số CSI 300.
“Chúng tôi tự tin sẽ đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội hàng năm cũng như duy trì sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững, ổn định và lành mạnh”, Chủ tịch NDRC Zheng Shanjie phát biểu trước báo giới ở Bắc Kinh.
Hồi tháng 3, Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 5%, nhưng hàng loạt dữ liệu thống kê trong mùa hè yếu đến mức các nhà kinh tế lo ngại mục tiêu này có thể vượt khỏi tầm tay. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trong tình trạng ảm đạm với sức ép từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, tiêu dùng yếu, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, và nhiều vấn đề khác.
Ông Zheng cho biết để hỗ trợ các chính quyền địa phương đang chật vật xoay sở với mức nợ cao, Bắc Kinh sẽ cung cấp 100 tỷ nhân dân tệ, tương đương 14 tỷ USD, từ ngân sách trung ương và thêm 100 tỷ nhân dân tệ nữa để các địa phương có vốn rót vào các dự án đầu tư.
Cuối tháng 9, Trung Quốc công bố một gói kích cầu lớn gồm các biện pháp chính sách tiền tệ như hạ lãi suất, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bơm tiền vào hệ thống tài chính. Tuy nhiên, giới đầu tư và chuyên gia phân tích vẫn kỳ vọng Chính phủ nước này sẽ tung thêm một gói kích cầu bằng chính sách tài khóa.
Các biện pháp chính sách tiền tệ tác động đến lãi suất cho vay và kiểm soát lạm phát/giảm phát. Trong khi đó, chính sách tài khóa có thể bao gồm việc sử dụng thuế và các công cụ khác để tác động trực tiếp tới chi tiêu công.
Trong một động thái nhằm vực dậy tâm trạng nhà đầu tư, Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ngày 9/10 thông báo rằng tại một cuộc họp báo bắt đầu lúc 10h sáng ngày thứ Bảy tuần này theo giờ địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lan Fo’an sẽ công bố các biện pháp chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng và trả lời câu hỏi của báo giới.
Các nhà kinh tế học đang kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra một gói kích cầu tài khóa trị giá khoảng 2 nghìn tỷ USD, tương đương 285 tỷ USD.
“NDRC đã đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục lập trưởng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc nới lỏng tài khóa là hết sức cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững”, ông Fred Neumann - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của ngân hàng HSBC - nói với hãng tin CNN.
Giới chuyên gia tin rằng Trung Quốc cần phải hành động nhiều hơn nữa để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, qua đó thuyết phục họ chi tiêu nhiều hơn.
Ông Jia Kang, người trước đây từng đứng đầu của một tổ chức nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, mới đây nói với tờ báo The Paper rằng Bắc Kinh nên phát hành tới 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) trái phiếu chính phủ dài hạn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công trình công cộng. Ông cho biết con số này “không phải là vô lý” vì trước đây Bắc Kinh đã từng tung ra các biện pháp kích thích tương tự.
“Chúng tôi nhất trí với các cố vấn kinh tế như ông Jia Kang rằng mức kích cầu 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 10% tổng sản phẩm trong nước (GDP), có thể là cần thiết để xoay chuyển nền kinh tế, xét tới lịch sử kích cầu của Trung Quốc”, một báo cáo của ngân hàng Citi nhận định.