Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (26/8) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với Dow Jones thiết lập kỷ lục mới nhưng hai chỉ số chính còn lại cùng giảm điểm. Giá dầu thô tăng hơn 2 USD/thùng sau khi có tin về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Libya.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 65,44 điểm, tương đương tăng 0,16%, chốt ở mức 41.240,52 điểm. Trong phiên, có thời điểm chỉ số tăng hơn 200 điểm, tương đương tăng 0,6%, đạt mức điểm nội phiên cao chưa từng thấy. Tuy nhiên, thành quả tăng này không được duy trì cho tới cuối phiên.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,32%, còn 5.616,84 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,85%, còn 17.725,76 điểm.
Thị trường tiếp tục cho thấy nỗ lực đi lên sau đợt bán tháo vào đầu tháng, với động lực đến từ khả năng đã chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, các nhà giao dịch có vẻ tiếp tục dịch chuyển khỏi cổ phiếu công nghệ sang các nhóm cổ phiếu khác trên thị trường. Phiên này, nhóm năng lượng thuộc S&P 500 tăng hơn 1% trong khi nhóm công nghệ giảm 1%.
Cổ phiếu Nvidia giảm 2,3% trước khi hãng sản xuất con chip đình đám dự kiến công bố báo cáo tài chính vào ngày thứ Tư tuần này. Giới đầu tư xem việc Nvidia công bố kết quả kinh doanh là một sự kiện quan trọng chủ chốt đối với thị trường, bởi cơn sốt trí tuệ nhân tạo mà Nvidia là cổ phiếu nóng nhất đã giữ vai trò là nguồn lực chính của xu hướng thị trường giá lên tính đến thời điểm hiện tại.
“Tôi cho rằng đang có một chút lo lắng trong lĩnh vực công nghệ về báo cáo tài chính sắp tới của Nvidia”, nhà phân tích Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin CNBC. “Thị trường đang ở một vị thế tương đối lành mạnh, nhưng sẽ rất khó để đạt được những bước tiến lớn lên cao hơn nếu cổ phiếu công nghệ trở thành một chướng ngại vật. Nhóm cổ phiếu này có tỷ trọng quá lớn trong các chỉ số. Hiện tại, cổ phiếu công nghệ đang là trở ngại đối với sự đi lên của thị trường”.
Từ sau phiên bán tháo hôm 5/8, S&P 500 đến nay đã tăng 8%. Chỉ số này hiện chỉ còn cách chưa đầy 1% so với mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào giữa tháng 7. Dow Jones đã tăng hơn 6% kể từ phiên 5/8.
Trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole vào tuần vừa rồi, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có những phát biểu “dọn đường” cho việc xoay trục chính sách tiền tệ sang nới lỏng. Phố Wall đang nóng lòng chờ đợi một đợt giảm lãi suất từ Fed, nhất là trong bối cảnh có những mối lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Mỹ.
Ông Powell không đưa ra tín hiệu gì về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất, nhưng theo công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 100% Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng tới, với khả năng giảm 0,25 điểm phần trăm là 68% và khả năng giảm 0,5 điểm phần trăm là 32%.
“Chúng tôi cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi lần trong các cuộc họp tháng 9, tháng 11 và tháng 12, vì Fed muốn cho thị trường thấy là họ không chậm trong việc giảm lãi suất. Đồng thời, Fed cũng muốn đảm bảo rằng họ không giảm lãi suất quá nhanh”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định.
Giới phân tích cho rằng kịch bản chính hiện nay của kinh tế Mỹ vẫn là một cuộc hạ cánh mềm. Khả năng này được củng cố bởi số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày thứ Hai cho thấy số lượng đơn hàng đặt mua các loại hàng hóa lâu bền do Mỹ sản xuất - từ lò nướng bánh cho tới máy bay - tăng 9,9% so với tháng trước, một mức tăng vượt xa dự báo.
Thị trường chứng khoán “đang tiêu hóa nhiều tin tốt, gồm phát biểu của ông Powell hôm thứ Sáu và số liệu đơn hàng lâu bền”, Giám đốc đầu tư Ben McMillan của công ty IDX Insights nói với hãng tin Reuters. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng lịch sử cho thấy các đợt giảm lãi suất thường đi trước những thời kỳ giảm điểm của thị trường chứng khoán vì “việc giảm lãi suất là có lý do”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,41 USD/thùng, tương đương tăng 3,05%, chốt ở mức 81,43 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sa tại New York tăng 2,59 USD/thùng, tương đương tăng 3,5%, chốt ở 77,42 USD/thùng.
Trước phiên tăng này, giá mỗi loại dầu đều đã tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Sáu.
“Nhà đầu tư có lý do để mua dầu trong ngắn hạn”, Phó chủ tịch cấp cao Dennis Kissler của công ty BOK Financial nhận định, đề cập đến những yếu tố như căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông, hoạt động sản xuất dầu bị gián đoạn ở Libya, và lượng dầu tồn kho ở Mỹ giảm xuống mức thấp.
Chính phủ đặt tại miền Đông của Libya ngày thứ Hai tuyên bố đóng cửa tất cả các mỏ dầu và ngừng xuất khẩu dầu. Một chi nhánh của công ty dầu khí quốc gia National Oil Corp cho biết có kế hoạch giảm dần sản lượng và cảnh báo về khả năng dừng hẳn hoạt động sản xuất dầu ở Libya, với lý do là “các cuộc biểu tình và sức ép”, nhưng không cho biết cụ thể hơn.
Libya có mức sản lượng 1,18 triệu thùng dầu mỗi ngày - theo dữ liệu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng Thụy Sỹ UBS cho rằng hoàn toàn có khả năng sản lượng dầu của Libya sụt về 0.
Theo nhà phân tích Priyanka Sachdeva của công ty Phillip Nova, nhà đầu tư hiện vẫn đang thận trọng về các động thái sản lượng sắp tới của OPEC và đồng minh, tức liên minh OPEC+.
“Hầu hết các nhà dự báo cho rằng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2025 sẽ dao động quanh ngưỡng khoảng 1 triệu thùng/ngày. Nếu sản lượng dầu của Libya giảm do một đợt nội chiến nữa, cán cân cung-cầu trên thị trường dầu năm 2025 sẽ rất giống với năm nay, cho dù Saudi Arabia và Nga có tăng sản lượng dầu”, trưởng phân tích Viktor Katona của công ty Kpler nói với Reuters.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu giảm tốc, nhất là kinh tế Trung Quốc, và khả năng đạt một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza tiếp tục là những nhân tố gây áp lực giảm lên giá dầu.