Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (9/10), với hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng thiết lập kỷ lục mới, khi nhà đầu tư lạc quan về biên bản cuộc họp tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tạm gác sang một bên mối lo địa chính trị. Giá dầu thô giảm do lượng dầu tồn trữ của Mỹ tăng, dù vẫn được hỗ trợ bởi bất ổn ở Trung Đông và bão Milton.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,71%, đạt 5.792,04 điểm. Dow Jones tăng 431,63 điểm, tương đương tăng 1,03%, đạt 42.512 điểm. Đây là mức điểm đóng cửa cao chưa từng thấy của mỗi chỉ số, chưa kể S&P 500 còn thiết lập một kỷ lục nội phiên mới.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,6%, chốt ở mức 18.291,62 điểm.
Sau khi khởi động tháng 10 với những cú giảm mạnh, giá cổ phiếu ở Phố Wall đang vững trở lại và có được trạng thái “xanh” cho tháng. Động lực chính cho phiên tăng này là biên bản cuộc họp ngày 18/9 của Fed cho thấy “đại đa số các thành viên dự họp” ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp đó. Tuy nhiên, biên bản cũng cho thấy quan điểm Fed là không vạch sẵn một kế hoạch cắt giảm lãi suất cho tương lai.
“Fed đang là nhân tố lớn nhất, giữ vai trò chủ lực chi phối thị trường. Vả lại, bất kỳ điều gì có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào. Nhà đầu tư thức dậy và nhận được hàng loạt tin tức về cơn bão, về giá năng lượng. Nhưng bây giờ, phần lớn những rủi ro đó không được phản ánh vào giá cổ phiếu”, Giám đốc nghiên cứu Mike Bailey của công ty FBB Capital Partners nhận định với hãng tin CNBC.
Thị trường đi lên ngay cả khi trong tâm trí nhà đầu tư còn lơ lửng mối lo về một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông và nỗi thất vọng về phiên giảm điểm chóng mặt cùng ngày của chứng khoán Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc trải qua phiên giảm mạnh nhất 4 năm do nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây và mất kiên nhẫn về tốc độ hiện thực hóa các tuyên bố kích cầu của Chính phủ.
Tuần này chứng kiến đặt cược vào mức giảm lãi suất lớn trong cuộc họp tháng 11 không còn nữa. Sự dịch chuyển kỳ vọng lãi suất này diễn ra sau báo cáo việc làm tháng 9 khả quan hơn dự kiến mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào tuần trước. Sau biên bản cuộc họp Fed, mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ hướng tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Năm (10/10).
“Biên bản cuộc họp vừa rồi của Fed cũng là một sự xác nhận rằng Fed tin họ đã thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, nên báo cáo CPI sắp tới có lẽ sẽ không gây nhiều bất ngờ. Thị trường đã có được sự lạc quan sau báo cáo việc làm gần đây. Nhà đầu tư lạc quan về kịch bản nền kinh tế hạ cánh mềm hoặc không hạ cánh”, chiến lược gia trưởng Lindsey Bell của công ty 248 Ventures nhận định với hãng tin Reuters.
Phát biểu ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, bà Lorie Logan, nói rằng bà ủng hộ việc Fed giảm mạnh lãi suất trong cuộc họp tháng 9 nhưng muốn Fed giảm lãi suất chậm hơn trong thời gian tới vì rủi ro lạm phát tăng trở lại vẫn còn đó, bên cạnh nhiều bấp bênh về triển vọng kinh tế.
Theo chuyên gia Adam Crisafulli của công ty Vital Knowledge, trên thị trường đang diễn ra một sự giằng co giữa một bên là 4 yếu tố có lợi cho giá cổ phiếu - gồm gói kích cầu của Trung Quốc, xu hướng giảm lạm phát, tăng trưởng vững vàng của kinh tế Mỹ, và tình hình lợi nhuận tốt của doanh nghiệp - với một bên là giá cổ phiếu đã bị đẩy lên cao. “Kết quả là S&P 500 rơi vào một trạng thái giằng co”, ông nói.
Giới phân tích nhận định rằng dù xu hướng chính vẫn là tăng, thị trường có thể sẽ giằng co nhiều trong tháng 10 này. Tháng 10 hàng năm thường là tháng nhiều biến động của chứng khoán Mỹ, chưa kể cuộc bầu cử tổng thống nước này sẽ diễn ra vào đầu tháng 11.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,6 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, chốt ở mức 76,58 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,33 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 73,24 USD/thùng.
Dầu giảm giá sau khi báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn trữ của nước này tăng 5,8 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức dự báo tăng 2 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters, đạt 422,7 triệu thùng.
Tuy nhiên, mức giảm ít hơn dự báo của tồn trữ xăng và các sản phẩm chưng cất đã giúp hạn chế mức giảm của giá dầu phiên này.
Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi thông tin về bão Milton, cơn bão lớn thứ hai trong mùa bão năm nay ở Mỹ. Theo dự kiến, cơn bão sẽ đổ bộ vào bang Florida trong đêm ngày thứ Tư theo giờ địa phương. Bão Milton đã khiến nhu cầu xăng ở bang này tăng vọt, với khoảng 1/4 số trạm xăng ở bang không còn xăng để bán.
Thị trường vẫn đang lo ngại về khả năng Israel tấn công hạ tầng dầu khí của Iran, cho dù giá dầu đã giảm hơn 4% trong phiên ngày thứ Ba vì khả năng Israel và Hezbollah có thể đạt một thỏa thuận ngừng bắn.
Trong một cuộc điện đàm vào ngày thứ Tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về kế hoạch của Israel liên quan tới Iran. Tuy nhiên, cả Mỹ và Israel đều không công bố chi tiết cuộc trò chuyện này.
“Thị trường vẫn đang lo lắng về tình hình Trung Đông. Mối lo về cuộc tấn công nhằm vào Iran đang khiến giá dầu cao hơn 5 USD/thùng so với bình thường”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital nhận xét với Reuters.
Tuy nhiên, mối lo về kinh tế Trung Quốc khiến giá dầu khó bứt phá. “Thị trường vẫn đang rất dễ điều chỉnh do kịch bản kinh tế vĩ mô ảm đạm của Trung Quốc”, trưởng nghiên cứu Harry Tchilinguirian của công ty Onyx Capital Group nhận xét.
Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu ảm đạm tiếp tục là yếu tố chi phối các dự báo giá dầu. Hôm thứ Ba, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2025 do hoạt động kinh tế suy yếu ở Trung Quốc và khu vực Bắc Mỹ.