October 09, 2024 | 07:35 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi giá dầu lao dốc

Bình Minh -

Giữa lúc thị trường theo dõi khả năng Israel tấn công trả đũa Iran và những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông, giá dầu thô giảm gần 5%...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (8/10), khi giá dầu quay đầu giảm và nhà đầu tư nghiền ngẫm về tình trạng căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông. Đặt cược vào mức giảm lãi suất lớn trong cuộc họp tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã không còn giữa lúc thị trường chờ các báo cáo lạm phát sắp công bố trong tuần này.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,97%, đạt 65.751,13 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,45%, đạt 18.182,92 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 126,13 điểm, tương đương tăng 0,3%, chốt ở mức 42.080,37 điểm.

Giữa lúc thị trường theo dõi khả năng Israel tấn công trả đũa Iran và những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông, giá dầu thô giảm gần 5%. Cú giảm này của giá dầu khiến nhóm cổ phiếu năng lượng trong S&P 500 giảm 2,6%.

Trái lại, cổ phiếu công nghệ tăng mạnh, giữ vai trò dẫn dắt thị trường đi lên. Nvidia và Broadcom tăng tương ứng 4% và 3%; Meta Platforms, Tesla và Microsoft tăng ít nhất 1% mỗi cổ phiếu.

“Xung đột ở Trung Đông đang là chủ đề lớn nhất trong tâm trí của bất kỳ ai. Nhưng bức tranh lớn hơn lại là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, với nhiều điều còn bất định về chính sách thuế và ảnh hưởng của những chính sách đó đối với lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai”, nhà quản lý danh mục Robert Pavlik của công ty Dakota Wealth Management nhận xét với hãng tin CNBC.

Tuy nhiên, trong thời gian còn lại của tuần này, giá cổ phiếu ở Phố Wall còn bị chi phối bởi các số liệu lạm phát, gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Năm và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Sáu. Ngày thứ Tư, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 9. Những báo cáo tài chính đầu tiên khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024 khởi động cũng là những thông tin được quan tâm.

Các báo cáo lạm phát sẽ góp phần quyết định Fed giảm lãi suất bao nhiêu trong cuộc họp tháng 11. Hiện tại, thị trường đặt cược khả năng 87,5% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tới, với 87,5% này dành hoàn toàn cho mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. 12,5% còn lại là khả năng Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 4,75-5%.

“Fed luôn nói rằng họ hành động tùy theo dữ liệu. Bởi vậy, cuối tuần này sẽ là những ngày quan trọng vì chúng ta sẽ biết lạm phát đã thực sự được kiểm soát hay chưa. Nhưng dù sao, Fed đã phát tín hiệu rằng hướng đi của lãi suất là giảm”, Giám đốc đầu tư Kim Forrrest của công ty Bokeh Capital Partners nói với hãng tin Reuters.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,75 USD/thùng, tương đương giảm 4,63%, chốt ở mức 77,18 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,57 USD/thùng, tương đương giảm 4,63%, chốt ở 73,57 USD/thùng.

Giá dầu giảm do khả năng Israel và Hezbollah đạt một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng vẫn được hỗ trợ bởi khả năng Israel tấn công hạ tầng dầu khí của Iran.

“Thị trường vẫn đang phụ thuộc vào tin tức từ Trung Đông. Sáng nay vừa có tin Israel và Hezbollah có thể ngừng bắn. Sau đó lại có tin Israel đang cân nhắc các mục tiêu ở Iran, trong đó có các cơ sở năng lượng”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital LLC nhận định.

“Giá dầu sẽ còn biến động lên xuống nhiều trong lúc xung đột còn diễn ra”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group phát biểu.

Hôm thứ Hai, giá dầu Brent tăng hơn 3%, vượt 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 8 và gây áp lực giảm lên thị trường chứng khoán. Tuần trước, giá dầu tăng khoảng 8% do mối lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tổng lực ở Trung Đông.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng ít có khả năng Israel tấn công hạ tầng dầu khí của Iran, và cảnh báo giá dầu có thể đương đầu với áp lực giảm mạnh nếu Israel chỉ nhằm vào các mục tiêu khác trong trường hợp nước này mở một cuộc tấn công nhằm vào Iran.

Hiện tại, giá dầu vẫn đương đầu với áp lực giảm từ triển vọng ảm đạm của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu của Trung Quốc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate