Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (4/10), lấy lại một phần điểm số bị mất trong phiên bán tháo trước đó, nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống thang sau số liệu việc làm yếu hơn dự báo. Giá dầu thô giảm gần 6% khi mối lo về triển vọng kinh tế ảm đạm lấn át tâm trí nhà đầu tư.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 127,17 điểm, tương đương tăng 0,39%, chốt ở mức 33.129,55 điểm. Với phiên tăng này, Dow Jones chấm dứt chuỗi ba phiên giảm liên tiếp.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,81%, đạt 4.263,75 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,35%, đạt 13.236,01 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, tiêu dùng không thiết yếu là nhóm tăng mạnh nhất phiên này. Trong khi đó, năng lượng làm nhóm giảm mạnh nhất do dầu thô có phiên giảm mạnh chưa từng thấy kể từ tháng 9/2022.
Một động lực cho sắc xanh trở lại thị trường là một báo cáo mới về thị trường việc làm. Công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho biết bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 89.000 công việc trong tháng 9. Số lượng công việc mới này thấp hơn nhiều so với dự báo 160.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones và bằng chưa đầy một nửa so với con số 180.000 công việc mới của tháng 8 - theo dữ liệu điều chỉnh.
Một yếu tố quan trọng khác không thể không kể đến là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quay đầu giảm sau chuỗi phiên liên tiếp lập đỉnh của 16 năm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm còn 4,735% vào thời điểm gần cuối phiên giao dịch, cách không xa mức đỉnh từ năm 2007 thiết lập hôm thứ Ba, nhưng cũng đủ để giải toả bớt mối lo của nhà đầu tư.
Nguyên nhân khiến lợi suất dịu đi là báo cáo việc làm ảm đạm khiến nhà đầu tư giảm đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm lãi suất hay giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
“Bao giờ cũng vậy, sau chuỗi ngày thị trường dịch chuyển theo một hướng, sẽ có một chút giải toả như phiên này, cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Nhưng xu hướng chính của thị trường chứng khoán vẫn sẽ là giảm”, chiến lược gia Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin CNBC.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu đang đẩy cao mối lo suy thoái kinh tế và đưa lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà ở Mỹ lên gần 8%. Do vậy, nhu cầu vay mua nhà trả góp ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996.
“Thị trường đang bị chi phối bởi lãi suất. Chúng ta đang chứng kiến sự trái chiều mạnh mẽ giữa diễn biến giá trái phiếu và giá cổ phiếu”, nhà quản lý quỹ Jamie Cox của công ty Harris Financial Group nhận định.
Thời gian còn lại của tuần này, nhà đầu tư ở Phố Wall sẽ hồi hộp chờ đợi báo cáo việc làm tổng thể tháng 9 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Báo cáo này được coi là căn cứ quan trọng nhất để đánh giá về tình hình của thị trường lao động - nhân tố có ảnh hưởng lớn đến các quyết sách tiền tệ của Fed.
Hôm thứ Tư, chứng khoán Mỹ đã bán tháo, với chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 và chuyển sang trạng thái giảm tính từ đầu năm. Phiên giảm sâu xảy ra khi báo cáo về số lượng cần tuyển dụng trong nền kinh tế cho thấy thị trường việc làm vẫn mạnh, dẫn tới lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ các kỳ hạn 10 năm và 30 năm cùng đạt mức cao nhất kể từ năm 2007.
“Tôi không nghĩ sẽ có nhiều nhà đầu tư quay trở lại thị trường chừng nào lãi suất chưa dịu đi. Mà họ cũng sẽ chỉ quay lại nếu lãi suất dịu đi mà không kèm theo khủng hoảng tài chính hay hạ cánh cứng. Mỗi ngày qua đi với lãi suất cao như thế này và tiến sâu hơn vào trạng thái thắt chặt, khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế trong năm 2024 sẽ giảm xuống”, ông Mayfield nhận định.
Triển vọng kinh tế đáng lo ngại khiến giá dầu giảm chóng mặt trong phiên ngày thứ Tư.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại London giảm 5,11 USD/thùng, tương đương giảm 5,6%, chốt ở mức 85,81 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 5,01 USD/thùng, tương đương giảm 5,6%, còn 84,22 USD/thùng.
So với mức giá đóng cửa của tuần trước, giá dầu Brent và WTI đều đã giảm khoảng 10 USD/thùng.
Một báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tiêu thụ xăng xe ở Mỹ trong tuần trước giảm còn khoảng 8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase, sau khi đã điều chỉnh theo các yếu tố mùa vụ, nhu cầu xăng ở Mỹ đang thấp nhất 22 năm. Giá xăng ở Mỹ đã tăng 30% trong quý 3 năm nay, gây sức ép lên nhu cầu, dẫn tới mức giảm tiêu thụ 223.000 thùng/ngày, báo cáo cho biết.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy sự suy yếu của nhu cầu, thống kê tuần cho thấy tồn kho xăng của Mỹ tăng 6,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức dự báo tăng 200.000 thùng mà giới phân tích đưa ra.
Lượng dầu thô tồn kho trên toàn quốc ở Mỹ giảm 2,2 triệu thùng, còn 414,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 29/9. Tuy nhiên, lượng dầu tồn ở cảng dầu Cushing, trung tâm giao hàng của dầu WTI, tăng sau 8 tuần giảm liên tiếp.
Cả Nga và Saudi Arabia đều xác nhận sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện đến hết năm như đã thông báo, theo đó Nga giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng dầu/ngày còn Saudi Arabia giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, mức lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu đã giảm xuống dưới mức 20 USD/thùng ở thời điểm ngày 4/10, mức thấp nhất 1 năm rưỡi. Theo Chủ tịch Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates cho rằng lợi nhuận lọc dầu giảm phản ánh rằng giá dầu cao và lãi suất cao đang làm suy giảm nhu cầu mua dầu thô dự trữ và làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
“Điều này có thể khiến nhu cầu dầu trở nên yếu hơn. Nga và Saudi Arabia sẽ khó phản ứng được bằng các giảm thêm sản lượng”, ông Ritterbusch phát biểu.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 4/10, OPEC+ quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.