Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (5/1), dù kỳ vọng giảm lãi suất đã giảm xuống sau báo cáo việc làm với những con số khả quan hơn dự báo. Giá dầu tăng mạnh khi căng thẳng ở Trung Đông tiếp diễn, dù chịu áp lực giảm từ xu thế phục hồi của đồng USD.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,18%, đạt 4.697,24 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 25,77 điểm, tương đương tăng 0,07%, đạt 37.466,11 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,09%, đạt 14.524,07 điểm.
Tuy nhiên, cả ba chỉ số cùng có tuần giảm điểm sau 9 tuần tăng liên tiếp. Trong đó, mức giảm lớn nhất 3,25% thuộc về Nasdaq, và thước đo này ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9. S&P 500 và Dow Jones giảm tương ứng 1,52% và 0,59%.
Giá cổ phiếu ở Phố Wall đã biến động mạnh trong phiên cuối tuần khi các nhà giao dịch nghiền ngẫm những số liệu kinh tế mới nhất nhằm xác định thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Bản báo cáo được chờ đợi từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế tạo được số lượng việc làm nhiều hơn dự báo trong tháng 12. Con số 216.000 công việc mới nhiều hơn dự báo 170.000 mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 3,7% thay vì tăng lên như dự báo.
Những số liệu này cho thấy một thị trường lao động vẫn thắt chặt, đồng nghĩa nền kinh tế còn mạnh, và làm giảm kỳ vọng vào việc Fed sẽ giảm lãi suất sớm và nhiều trong năm 2024.
Tuy nhiên, một báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung (ISM) lại cho thấy hoạt động dịch vụ suy giảm trong tháng 12, dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế yếu đi. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của ISM đạt mức 50,6 điểm trong tháng trước, thấp hơn gần 2 điểm so với mức dự báo 52,5 điểm mà các nhà kinh tế học đưa ra trong cuộc khảo sát của Dow Jones, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức 52,7 ghi nhận trong tháng 11. Dù vậy, mức điểm trên 50 vẫn phản ánh sự tăng trưởng.
Trái ngược với báo cáo việc làm, báo cáo cho thấy sự suy yếu của ngành dịch vụ củng cố kỳ vọng vào việc giảm lãi suất, qua đó hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Nhờ vậy, S&P 500 và Nasdaq có phiên tăng đầu tiên trong năm 2024.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 66,4% Fed giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3. Vào thời điểm cuối năm 2023, khả năng này là hơn 80%. Kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ giảm lãi suất 6 lần trong năm nay cũng trở nên mong manh hơn.
Bước sang năm 2024, tâm trạng của nhà đầu tư ở Phố Wall đã trở nên thận trọng hơn, khi kỳ vọng giảm lãi suất được kiềm chế bớt so với thời điểm cuối năm ngoái. Phản ánh tâm lý này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng dần trở lại, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm kết thúc phiên ngày thứ Sáu ở mức hơn 4,1%, từ mức hơn 4% của phiên trước và mức 3,8% vào cuối năm ngoái.
“Thị trường việc làm đang tốt, có lẽ là quá tốt. Lạm phát có lẽ đang nóng lên một chút nếu dựa trên mức độ tăng trưởng tiền lương mà chúng ta đang chứng kiến. Sức mạnh của thị trường việc làm có thể dội một chút nước lạnh vào những hy vọng về cắt giảm lãi suất”, Giám đốc nghiên cứu Mike Bailey của công ty FBB Capital Partners nhận định với hãng tin CNBC.
“Trước ngày hôm nay, nhà đầu tư muốn ba thứ: lạm phát giảm, thị trường việc làm ổn định, và lãi suất giảm. Nhưng thực tế báo cáo việc làm cho thấy nhà đầu tư có thể chỉ đạt được một điều ước trong số đó”, ông Bailey nói thêm.
“Về số liệu kinh tế vĩ mô, ai cũng có thể tìm thấy một thứ gì đó mà họ mong muốn trong những con số được đưa ra, nhưng không phải là tất cả”, chiến lược gia Greg Boutle của ngân hàng BNP Paribas nhận định với hãng tin Reuters. Ông cho rằng mức độ kỳ vọng có giảm xuống, nhưng các báo cáo kinh tế Mỹ tuần này có thể sẽ không làm thay đổi toàn bộ dự báo của nhà đầu tư về việc Fed giảm lãi suất trong năm nay.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,76 USD/thùng, tương đương tăng 2,44%, chốt ở mức 73,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tăng London tăng 1,17 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở mức 78,76 USD/thùng.
Dầu thô tăng giá khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chuẩn bị có chuyến thăm Trung Đông nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng ở dải Gaza, không để cuộc chiến tranh Israel-Hamas lan rộng ra khu vực.
Với phiên tăng này, giá dầu hoàn tất một tuần tăng nhẹ, hồi phục sau cú giảm mạnh vào hôm thứ Năm do áp lực từ lượng tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng mạnh. “Việc giá dầu tăng trở lại là một lời nhắc rằng rủi ro nguồn cung dầu vẫn đang gia tăng do sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông”, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil nhận định trong một báo cáo.
Lực lượng của Israel đang có kế hoạch mở các cuộc tấn công có trọng điểm hơn ở phía Bắc của dải Gaza và tiếp tục truy lùng các thủ lĩnh Hamas ở phía Nam - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố hôm thứ Năm. Trong khi đó, phiến quân Houthi vẫn tiếp tục tấn công vào các con tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ triển vọng ảm đạm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay, nhất là kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Ngoài ra, sản lượng khai thác dầu của Mỹ cao chưa từng thấy và xu thế phục hồi gần đây của đồng USD cũng không có lợi cho giá dầu.
Tuần này, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã tăng khoảng 1,1%, chốt ở mức hơn 102,4 điểm.