Theo hãng tin CNBC, để tránh các cuộc tấn công được tiến hành bởi phiến quân Houthi ở Yemen - lực lượng được Iran hậu thuẫn - các hãng vận tải biển đã phải chuyển hướng số hàng hoá trị giá hơn 200 tỷ USD trong mấy tuần qua. Biển Đỏ là một đoạn đường biển quan trọng ở Trung Đông, cùng với kênh đào Suez nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương.
Các nhà quản lý logistics cho biết bất ổn ở Biển Đỏ đã dẫn tới một “cơn bão” trong thương mại toàn cầu, với giá cước vận tải tăng từng ngày, phụ phí gia tăng, thời gian mỗi chuyến hàng dài hơn, và nguy cơ các chuyến hàng dành cho mùa xuân và mua hè sẽ đến nơi muộn vì phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
“Áp lực chuỗi cung ứng gây ra phần “tạm thời” của lạm phát vào năm 2022 có thể sẽ quay trở lại nếu các vấn đề ở Biển Đỏ và Ấn Độ Dương tiếp diễn”, CEO Larry Lindsey của công ty tư vấn kinh tế Lindsey Group nhận định. Tuy nhiên, ông Lindsey không cho rằng việc này sẽ cản trở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất trong năm 2024.
“Cả Fed hay ECB đều không thể làm gì được để giải quyết vấn đề Biển Đỏ, và có lẽ sẽ không bận tâm nhiều tới lạm phát mà vấn đề này gây ra. Họ vẫn sẽ giảm lãi suất cho dù áp lực lạm phát có tăng lên”, ông Lindsey nhận định.
Các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ đã liên tục xảy ra mấy tháng nay, bất chấp cảnh báo gay gắt từ Mỹ, Nhật Bản, Anh và 9 quốc gia khác. Trong một tuyên bố chung vào ngày 3/1, nhóm nước này nói: “Houthi sẽ phải chịu hậu quả nếu tiếp tục đe doạ sinh mạng, nền kinh tế toàn cầu và dòng chảy thương mại tự do trên tuyến đường biển quan trọng của khu vực”.
Giới chuyên gia hàng hải cho biết hiện có khoảng 20% công suất vận tải biển không được sử dụng do lượng đơn hàng sụt giảm. Trong khi đó, các hãng vận tải biển tiếp tục cắt giảm các chuyến đi và phải thay đổi hải trình để tránh phải đi qua Biển Đỏ. Sự thắt chặt của công suất vận tải cộng thêm thời gian của mỗi chuyến hàng trở nên dài hơn dẫn tới giá cước cao hơn.
Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Bắc Âu đã tăng hơn gấp đôi trong tuần này, lên mức hơn 4.000 USD/container 40 foot. Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Địa Trung Hải tăng lên mức 5.175 USD. Một số hãng tàu đã báo giá 6.000 USD cho mỗi container 60 foot tới Địa Trung Hải từ giữa tháng này, chưa kể phụ phí dao động từ 500-2.700 USD/container.
“Với giá cước vận tải biển tăng bất ngờ như thế này, phần chi phí gia tăng sẽ ngấm dần vào chuỗi cung ứng và bắt đầu ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong quý 1 năm nay”, CEO Alan Baer của công ty vận tải biển OL-USA nhận định. Các doanh nghiệp đã có bài học từ giai đoạn khủng hoảng chuỗi cung ứng hồi năm 2021-2022 nên sẽ điều chỉnh giá cả sớm hơn, ông Baer nói thêm.
Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Bờ Đông của Mỹ đã tăng 55% lên 3.900 USD/container. Giá cước tới Bờ Tây của Mỹ tăng 63% lên hơn 2.700 USD.
“Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ có thể kết thúc bất kỳ lúc nào nếu chiến tranh ở dải Gaza chấm dứt, nhưng đây vẫn là một lời nhắc nhở rằng Fed không thể tự mãn với cuộc chiến chống lạm phát. Nếu không, họ dễ lặp lại cuộc khủng hoảng lạm phát như hồi thập niên 1970”, Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakly Financial Group nhận định.
Việc chuyển hướng tàu đi qua kênh đào Suez và Biển Đỏ khiến công suất vận tải biển bị ảnh hưởng, vì hải trình đi qua Mũi Hảo Vọng khiến chuyến đi hai chiều kéo dài thêm từ 2-4 tuần, theo công ty Honour Lane Shipping. “Đi qua châu Phi có thể giảm công suất vận tải container đường biển toàn cầu khoảng 10-15%”, báo cáo của công ty này nhận định.
Thời gian vận tải dài hơn sẽ làm chậm những chuyến hàng mùa xuân lẽ ra phải cập cảng Trung Quốc trước dịp Tết Nguyên đán vào tháng 2. Ở Mỹ, những chuyến tàu container lẽ ra phải cập cảng Bờ Đông vào tháng 12 bây giờ mới tới nơi. Đó là những chuyến hàng gồm sản phẩm thời trang xuân hè, bể bơi, dụng cụ bể bơi, sản phẩm cho lễ Phục sinh, đồ nội thất và dụng cụ làm vườn…