October 02, 2024 | 07:39 GMT+7

Chứng khoán Mỹ sụt điểm, giá dầu tăng vọt vì tin căng thẳng Trung Đông

Bình Minh -

Song song với bán mạnh những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu, nhà đầu tư mua mạnh những tài sản được coi là “hầm trú ẩn”...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (1/10) do xung đột leo thang ở Trung Đông khiến nhà đầu tư cổ phiếu trở nên bi quan. Trái lại, mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu đẩy giá dầu thô tăng gần 3%.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 173,18 điểm, tương đương giảm 0,41%, còn 42.156,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,93%, còn 5.078,75 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,53%, còn 17.910,36 điểm.

Trong khi các bảng giá cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, chỉ số CBOE Volatility Index (VIX) đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall, có lúc vượt 20 điểm - một mức điểm phản ánh tâm lý lo ngại gia tăng của giới đầu tư.  

Cùng với đó, giá dầu thô có lúc tăng khoảng 5% sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết Iran đã phóng tên lửa vào nước này. Cuộc tấn công của Iran là sự trả đũa đối với  chiến dịch của Israel nhằm vào phiến quân Hezbollah - đồng minh của Tehran - ở Lebanon những ngày qua.

Sau đó, giá dầu thu hẹp mức giảm và giá cổ phiếu cũng thoát đáy của phiên giao dịch khi Iran kết thúc cuộc tấn công. Thị trường hy vọng thiệt hại của cuộc tấn công này và biện pháp đáp trả của Israel sau này sẽ chỉ ở mức độ hạn chế.

Song song với bán mạnh những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu, nhà đầu tư mua mạnh những tài sản được coi là “hầm trú ẩn” như đồng franc Thụy Sỹ, đồng yên Nhật, đồng USD, trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng.

“Mối lo về sự lan rộng của xung đột luôn gây ra xáo trộn trên thị trường. Xung đột ảnh hưởng trực tiếp với thị trường vì có những lực lượng gây ra sự bất ổn nhất định”, nhà quản lý danh mục cấp cao Keith Buchanan của công ty Globalt Investments nhận định với hãng tin CNBC.

Phiên giảm điểm này của chứng khoán Mỹ diễn ra trên diện rộng, với hơn 3/5 số cổ phiếu thành viên S&P 500 kết thúc phiên trong trạng thái giảm. Với mức tăng hơn 2%, năng lượng là nhóm giữ vai trò trụ cột tránh cho chỉ số có một phiên giảm sâu hơn.

Trái lại, công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất, lý giải cho việc Nasdaq trượt sâu nhất trong số 3 chỉ số chính. Những cái tên như Tesla, Nvidia và Apple đều chốt phiên trong sắc đỏ, chỉ riêng Meta Platforms tăng, thậm chí lập kỷ lục nội phiên mới.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,86 USD/thùng, tương đương tăng 2,6%, chốt ở mức 73,56 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,66 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, chốt ở mức 69,83 USD/thùng.

Trao đổi với hãng tin Reuters, chiến lược gia độc lập về rủi ro địa chính trị Clay Seigle nhận định Israel “sẽ không ngần ngại mở rộng cuộc tấn công quân sự để nhằm trực tiếp vào Iran. Tài sản dầu lửa của Iran rất có khả năng sẽ bị đưa vào danh sách mục tiêu tấn công”. Ông Seigle cho rằng trong trường hợp Israel tấn công các cơ sở sản xuất hay xuất khẩu dầu của Iran, thiệt hại lớn sẽ xảy ra, có thể khiến nguồn cung dầu của nước này giảm tới hơn 1 triệu thùng/ngày.

Trên Biển Đỏ, một tổ chức phiến quân khác được Iran hậu thuẫn là Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công khiến ít nhất một trong hai con tàu bị hư hại ngoài khơi cảng Hodeidah. Houthi đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào hàng hải quốc tế ngoài khơi Yemen kể từ tháng 11 năm ngoái để thể hiện sự ủng hộ dành cho người Palestine trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở dải Gaza.

Ông Tamas Varga - nhà phân tích tại công ty tư vấn và môi giới dầu lửa PVM Oil - nhận định với Reuters: “Trong trường hợp leo thang, các lực lượng ủy nhiệm của Iran gồm phiến quân Houthi và lực lượng bán quân sự của Iraq, có thể tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các quốc gia sản xuất dầu ở Trung Đông, cụ thể là Saudi Arabia”.

“Thị trường đang thực sự lo ngại rằng nguồn cung dầu lửa sẽ bị ảnh hưởng. Tâm trạng bất an và biến động trong giao dịch sẽ duy trì cho tới khi bức tranh trở nên rõ ràng”, ông Varga nói.

Trước khi xảy ra cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel, giá dầu đang ở vùng thấp nhất 2 tuần do triển vọng nguồn cung dầu tăng và nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu trên toàn cầu.

Liên minh OPEC+ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga dự kiến tăng sản lượng dầu 180.000 thùng/ngày từ tháng 12. Sản lượng dầu của Libya cũng được dự báo sẽ sớm tăng trở lại sau khi Quốc hội nước này phê chuẩn việc đề cử một thống đốc ngân hàng trung ương mới. Trong khi đó, triển vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - vẫn ảm đạm bất chấp các biện pháp kích cầu mới được công bố.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate