Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 29/9 cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại trước ngày 31/10 tiến hành hạ lãi suất đối với các khoản vay thế chấp nhà hiện có. Đây là một phần trong các biện pháp kích cầu mạnh tay nhằm đưa thị trường bất động sản thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kéo dài và hồi phục tăng trưởng kinh tế.
Một tuyên bố của PBOC nói rằng các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất đối với các khoản vay thế chấp nhà hiện có về mức thấp hơn không quá 0,3 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay cơ bản (LPR) - lãi suất tham chiếu của PBOC đối với các khoản vay thế chấp nhà. Như vậy, lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà hiện có sẽ giảm bình quân 0,5 điểm phần trăm.
Trước đợt giảm lãi suất này, Trung Quốc năm nay đã triển khai một loạt biện pháp để kích thích thị trường bất động sản, gồm giảm mức trả trước đối với các giao dịch mua nhà bằng khoản vay thế chấp và hạ lãi suất vay thế chấp nhà cấp mới. Nhưng các biện pháp đó hầu như chưa có tác dụng đáng kể trong việc thúc đẩy doanh số hay tăng thanh khoản cho thị trường, và khủng hoảng bất động sản tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Bổ sung cho nỗ lực kích cầu bất động sản của trung ương, chính quyền thành phố Quảng Châu ngày 29/9 công bố dỡ tất cả hạn chế đối với việc mua nhà. Hai thành phố Thượng Hải và Thẩm Quyến nới hạn chế đối với người mua nhà không phải là người địa phương và giảm tỷ lệ trả trước tối thiểu đối với người mua nhà lần đầu xuống còn 15%.
Hôm thứ Ba tuần trước, PBOC công bố gói kích cầu lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19 nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi bờ vực giảm phát. Các biện pháp trong gói này bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất mua lại đảo ngược (repo) kỳ hạn 7 ngày, và bơm tiền vào thị trường tài chính.
Hôm thứ Tư, PBOC tiếp tục hạ lãi suất của cơ sở cho vay trung hạn (MLF), theo đó một lượng 300 tỷ nhân dân tệ (gần 43 tỷ USD) vốn vay kỳ hạn 1 năm của chương trình này mà PBOC cấp cho các ngân hàng thương mại giảm còn 2% từ 2,3%.
Bức tranh thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn đang ảm đạm, bất chấp nhiều biện pháp kích cầu đã được triển khai. Số liệu thống kê công bố trong tháng 9 này cho thấy doanh số bán nhà mới trong tháng 8 giảm mạnh nhất 9 năm, và doanh số của 8 tháng đầu năm giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chương trình giảm lãi suất khoản vay thế chấp nhà hiện có mà PBOC vừa công bố nhằm giúp giảm bớt gánh nặng đối với người đã mua nhà từ trước, qua đó không chỉ kích cầu bất động sản mà còn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa nói chung.
Các đợt giảm lãi suất cho vay thế chấp nhà trước đây của Trung Quốc chủ yếu có lợi cho người mua mới, trong khi người vay mua nhà từ trước vẫn phải chịu mức lãi suất cao. Điều này khiến nhiều hộ gia đình tìm cách trả sớm khoản vay thế chấp nhà, từ đó dẫn tới việc họ phải tằn tiện chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ khác.
Dư nợ các khoản vay thế chấp nhà ở Trung Quốc vào thời điểm cuối tháng 6 năm nay là 37,79 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 5,3 nghìn tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất gần 3 năm.
“Với các cải cách lãi suất theo định hướng thị trường tiếp tục được đẩy mạnh, và mối quan hệ cung - cầu trên thị trường bất động sản trải qua những thay đổi lớn, cơ chế định giá lãi suất khoản vay thế chấp nhà hiện tại đã lộ ra một số hạn chế”, tuyên bố của PBOC có đoạn viết. “Dư luận đã có phản ứng mạnh, nên cơ chế cần được điều chỉnh và tối ưu hóa một cách thật nhanh chóng”.
4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc, gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) cho biết sẽ phản ứng tích cực với chính sách và đang thúc đẩy sự điều chỉnh một cách có trật tự lãi suất cho vay thế chấp nhà.
Hầu hết các địa phương Trung Quốc, trừ một số thành phố lớn gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, đều đã dỡ bỏ mức sàn đối với lãi suất cho vay thế chấp nhà.
Trong tuyên bố ngày 29/9, PBOC cũng cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các khoản vay dự án đối với doanh nghiệp bất động sản tới năm 2026, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu vốn của doanh nghiệp.