Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (15/6), khi số liệu cho thấy lạm phát mạnh lên và ngành bán lẻ suy yếu trong tháng 5. Những con số bất lợi khiến giới đầu tư thêm phần lo lắng trong lúc đang chờ kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Trong những tuần gần đây, thị trường chứng khoán được hỗ trợ nhiều bởi sự trấn an của Fed rằng giá cả leo thang chỉ là vấn đề tạm thời và bởi xu hướng “hạ nhiệt” của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Giờ đây, mọi sự chú ý đều đang hướng về tuyên bố của Fed khi ngân hàng trung ương này kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày 15-16/6.
Thống kê công bố ngày thứ Ba cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ tăng tốc trong tháng 5, do các chuỗi cung ứng không kịp đáp ứng nhu cầu bung mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Một báo cáo khác cho thấy doanh thu bán lẻ ở Mỹ giảm nhiều hơn so với dự báo trong tháng 5.
“Thị trường đã phản ứng mạnh với số liệu kinh tế đưa ra trong ngày hôm nay. Nhưng con số này về cơ bản cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu giảm bớt lệ thuộc vào các biện pháp kích cầu, sự hồi phục có chậm lại một chút, và lạm phát tiếp tục tăng”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận định với hãng tin Reuters.
“Chúng ta đang chứng kiến thị trường yếu đi và các chỉ số sẽ tiếp tục giằng co cho tới khi Fed ra tuyên bố cuộc họp. Ở thời điểm này, Fed có thể đang ở vào vị thế để phát tín hiệu rằng họ đang nghĩ tới thu hẹp chương trình mua tài sản, nhưng sẽ phải mất thêm một thời gian dài nữa họ mới thực sự làm việc đó”, ông Moya nói thêm.
Một cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế do hãng tin Reuters thực hiện dự báo rằng Fed có thể công bố chiến lược giảm chương trình mua tài sản trong tháng 8 hoặc tháng 9, nhưng sẽ chỉ bắt đầu triển khai vào đầu năm tới. Hiện Fed chi mỗi tháng 120 tỷ USD để mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ.
Ba chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đã tăng tương ứng 13%; 12,1%; và 9,2% trong năm nay, chủ yếu nhờ lạc quan về sự mở cửa trở lại nền kinh tế. Gần đây, S&P 500 bị kẹt trong một vùng biên độ hẹp, dù đã đóng cửa ở mức kỷ lục lần thứ 29 của năm nay trong phiên ngày thứ Hai tuần này, so với 33 lần lập kỷ lục chốt phiên của năm ngoái.
Kết thúc phiên ngày 15/6, Dow Jones trượt 0,27%, còn 34.299,33 điểm. S&P 500 – thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - giảm 0,2%, còn 4.246,59 điểm. Nasdaq sụt 0,71%, còn 14.072,86 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 7 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ. Trong số 4 nhóm tăng, mức tăng mạnh nhất 2,1% thuộc về nhóm năng lượng nhờ giá dầu lên đỉnh 3 năm.
Cổ phiếu hãng dầu lửa khổng lồ Exxon Mobil tăng 3,5%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 3.
Toàn thị trường có 9,98 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công phiên này, ít hơn so với mức bình quân 10,58 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.