Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (29/12), nhưng hoàn tất một năm tăng điểm rực rỡ nhờ sự giảm tốc của lạm phát, sự vững vàng của nền kinh tế và tín hiệu kết thúc chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Trong khi đó, giá dầu giảm hơn 10% trong năm nay vì mối lo thừa cung thiếu cầu.
Lúc đóng cửa phiên cuối cùng của năm 2023, S&P 500 giảm 0,28%, còn 4.769,83 điểm. Đây là tuần tăng thứ 9 liên tiếp của chỉ số này - chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ năm 2004 - đưa tổng mức tăng của cả năm lên 24,4%.
Một điều đáng tiếc đối với S&P 500 là thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - dù đã nỗ lực trong những phiên gần đây - đã không thể thiết lập một kỷ lục mới trong năm 2023 dù đã lên rất gần mức đỉnh cao mọi thời đại. Trong phiên ngày thứ Sáu, có lúc S&P 500 tăng 9 điểm, chỉ còn cách chưa đầy 0,2% so với mức đóng cửa kỷ lục 4.796,56 điểm thiết lập vào tháng 1/2022.
Chỉ số Dow Jones mất 20,56 điểm, tương đương giảm 0,05%, chốt năm ở mức 37.689,54 điểm, với thành quả tăng cả năm là 13,7%. Trước phiên giảm này, chỉ số với thành viên là 30 cổ phiếu blue-chip đã thiết lập kỷ lục đóng cửa mọi thời đại.
Chỉ số Nasdaq giảm 0,56%, còn 15.011,35 điểm. Tuy nhiên, thước đo với các cổ phiếu công nghệ chiếm đa số tăng 43,4% trong năm nay, đánh dấu năm tăng mạnh nhất kể từ 2020, một phần nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) khiến nhà đầu tư đổ xô mua những cổ phiếu như Microsoft và Nvidia.
“Đà tăng của thị trường về cuối năm vẫn mạnh. Đây thực sự là một đợt tăng ấn tượng”, chiến lược gia cấp cao Mona Mahajan của công ty Edward Jones nhận định với hãng tin CNBC.
Tuần này, S&P 500 tăng 0,3%. Dow Jones và Nasdaq tăng tương ứng 0,8% và 0,1%, hoàn tất chuỗi tuần tăng dài nhất của mỗi chỉ số kể từ năm 2019.
Thành quả tăng của năm 2023 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ sau đợt bán tháo 2022. Về cuối năm, động lực bứt phá của thị trường đến từ việc Fed phát tín hiệu đã có thể dừng tăng lãi suất và dự kiến có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Phản ánh kỳ vọng vào sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ mức hơn 5% vào cuối tháng 10 còn dưới 3,9% trong phiên ngày thứ Sáu.
Với lãi suất giảm, lạm phát ngày càng dịu đi và thị trường lao động vẫn vững vàng, nhà đầu tư ở Phố Wall chuẩn bị bước sang năm mới với niềm tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái và sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2024. Nhờ niềm tin như vậy, sự tăng điểm trong quý 4 đã diễn ra trên diện rộng, từ cổ phiếu blue-chip cho tới cổ phiếu nhỏ. Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ đã tăng 12% trong tháng 12, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020 và hoàn tất quý tăng mạnh nhất kể từ quý 4/2020.
CEO Nancy Tengler của công ty Laffer Tengler Investments nhận định diện tăng rộng của thị trường sẽ tiếp tục trong năm tới, nhưng một số cổ phiếu đã tăng cao có khả năng sẽ điều chỉnh. Trước cuộc họp tháng 1 của Fed, giới đầu tư sẽ hướng sự chú ý tới phát biểu của các quan chức Fed để đánh giá kỹ lưỡng hơn về triển vọng lãi suất. Những phát biểu này có thể gây ra một chút biến động trên thị trường trong thời gian đầu năm.
“Rủi ro đối với Fed là ngân hàng trung ương này có thể giảm lãi suất quá chậm hoặc quá sớm. Nếu họ hành động quá sớm, lạm phát có thể tăng mạnh trở lại, và đó sẽ là tin xấu cho tát cả”, bà Tengler nói.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 2 tại New York giảm 0,12 USD/thùng, tương đương giảm 0,17%, còn 71,65 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3 tại London giảm 0,11 USD/thùng, tương đương giảm 0,14%, còn 77,04 USD/thùng.
Cả năm, giá dầu WTI giảm 10,73% và giá dầu WTI giảm 0,32%, dù được hỗ trợ bởi rủi ro địa chính trị ở Trung Đông khi cuộc chiến tranh Israel-Hamas bùng nổ ở dải Gaza vào tháng 10 và đến nay vẫn tiếp diễn. Gây áp lực giảm lên giá dầu trong năm nay là sản lượng dầu kỷ lục của một số nước ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), đặc biệt là Mỹ, đặt ra khả năng nguồn cung dầu tăng nhanh hơn nhu cầu tiêu thụ.
Tuần trước, sản lượng dầu của Mỹ đạt khoảng 13,3 triệu thùng/ngày, mức cao chưa từng thấy. Sản lượng dầu của Brazil và Guyana cũng đang cao kỷ lục. Xung đột với sự gia tăng của sản lượng dầu ngoài OPEC là sự giảm tốc của các nền kinh tế lớn, nhất là Trung Quốc - nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới.
OPEC và đồng minh gồm Nga, tức liên minh OPEC+ đã cam kết cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý 1/2024, nhưng thị trường không mấy tin tưởng rằng việc cắt giảm sản lượng này sẽ được thực thi nghiêm ngặt và OPEC+ sẽ đưa được cung-cầu dầu về trạng thái cân bằng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định tăng trưởng sản lượng dầu ngoài OPEC sẽ vượt tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024. Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được tổ chức này dự báo giảm nửa triệu thùng/ngày còn 1,1 triệu thùng/ngày trong năm tới, trong khi tăng trưởng sản lượng dầu ngoài OPEC được dự báo sẽ đạt 1,2 triệu thùng/ngày.