Trong cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2023 diễn ra mới đây, Fed dự báo sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm tới. Trên thị trường tài chính, các nhà giao dịch đang đặt cược Fed giảm lãi suất 6 lần trong năm 2024, với đợt đầu tiên diễn ra vào tháng 3.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed vẫn giữ quan điểm thận trọng, cho rằng đường đi của chính sách tiền tệ sẽ tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của nền kinh tế. Trong trường hợp lạm phát dai dẳng hơn dự báo hoặc tăng trở lại, Fed có thể sẽ trì hoãn việc giảm lãi suất, hoặc thậm chí tiếp tục tăng lãi suất.
Dù vậy, hãng tin CNN cho rằng có lý do để Fed tin có thể cắt giảm lãi suất trong năm tới.
NHÌN LẠI NHỮNG ĐỢT GIẢM LÃI SUẤT GẦN ĐÂY
Lần giảm lãi suất gần đây nhất diễn ra khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Qua một loạt cuộc họp khẩn cấp diễn ra vào tháng 3/2020, Fed đưa ra một động thái chưa từng có tiền lệ là cắt giảm lãi suất 1,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang về mức 0-0,25%. Fed giải thích rằng việc giảm lãi suất như vậy là cần thiết để ứng phó với những mối nguy mà Covid đặt ra cho nền kinh tế.
Trước đại dịch, Fed cắt giảm lãi suất vào năm 2019 khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc căng thẳng. Trong 3 lần giảm lãi suất của năm đó, đợt đầu tiên diễn ra vào tháng 7. Chủ tịch Fed Jerome Powell khi đó giải thích rằng động thái giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm là cần thiết để “chống lại những rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy yếu và bấp bênh về chính sách thương mại, và để cân bằng tác động mà những yếu tố này đang gây ra với nền kinh tế”.
Ông Powell gọi đợt giảm lãi suất đầu tiên và hai đợt giảm tiếp theo trong năm 2019 là “sự điều chỉnh giữa chu kỳ”, đồng nghĩa việc giảm lãi suất này không phải là khởi đầu cho một thời kỳ cắt giảm lãi suất kéo dài, mà chỉ là một thay đổi nhỏ để định hướng lại nền kinh tế. Việc này rất khác so với những gì Fed sẽ làm “khi xảy ra một cuộc suy thoái hay sụt giảm tăng trưởng nghiêm trọng” - ông Powell nói tại họp báo sau cuộc họp tháng 7/2019 của Fed.
LÝ DO FED GIẢM LÃI SUẤT
Hai trường hợp giảm lãi suất gần đây nhất của Fed như đề cập ở trên cho thấy hai lý do chính khiến Fed đi đến quyết định giảm lãi suất.
Theo nhà kinh tế học Justin Weidner của ngân hàng Deutsche Bank, Fed giảm lãi suất “khi có vấn đề xảy ra trong nền kinh tế”. Đó cũng chính là tiền đề của các đợt giảm lãi suất bắt đầu vào các năm 2007, 2001, và 1990 - thời điểm bắt đầu của 3 cuộc suy thoái kinh tế khác nhau.
Fed cũng giảm lãi suất như một biện pháp đón đầu để phản ứng với dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang mất đà, hoặc sau những sự kiện như 11/9 “có khả năng gây suy yếu nền kinh tế” - theo nhà kinh tế trưởng Michael Gapen của Bank of America Securities.
GIẢM LÃI SUẤT KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG DO NGUYÊN NHÂN XẤU
Nhưng nếu Fed giảm lãi suất trong năm 2024, nhiều khả năng việc đó không xuất phát từ nguy cơ suy thoái kinh tế hay sự cần thiết phải chống lại một rủi ro như vậy - ông Gapen nhận định.
“Lần giảm lãi suất sắp tới của Fed có thể khác so với những lần khác”, ông nói, cho rằng Fed giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ là do lạm phát đang giảm về gần ngưỡng mục tiêu 2%. Nếu mục tiêu lạm phát như vậy trở thành hiện thực, lãi suất hiện tại của Fed sẽ là thắt chặt quá mức và đặt ra trở ngại đối với nền kinh tế, ông Gapen nhấn mạnh.
Nhưng cũng như ông Powell, ông Weidner không loại trừ khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm tới. Nhóm chuyên gia do ông Weidner đứng đầu dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng lên mức 4,6% vào quý 3/2024 từ 3,7% hiện nay do GDP thực giảm xuống. “Nếu điều đó xảy ra, đó là một kịch bản tồi tệ”, ông Weidner phát biểu, nhấn mạnh rằng Fed sẽ buộc phải giảm lãi suất nếu có suy thoái.