Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (19/8), nối tiếp xu hướng tăng mạnh của tuần trước trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đón hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến diễn ra trong tuần này. Giá dầu thô sụt hơn 2 USD/thùng khi Mỹ thúc đẩy nỗ lực nhằm đạt tới một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 236,77 điểm, tương đương tăng 0,58%, đạt 40.896,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,97%, đạt 5.608,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,39%, đạt 17.876,77 điểm.
Đây là phiên tăng thứ 8 liên tiếp của S&P 500 và Nasdaq, chuỗi phiên tăng dài nhất của mỗi chỉ số kể từ đầu năm đến nay.
Phiên tăng đầu tuần kéo dài đà phục hồi của giá cổ phiếu ở Phố Wall sau đợt bán tháo hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8. Tuần trước, cả ba chỉ số cùng ghi nhận mức tăng tuần mạnh nhất kể từ đầu năm.
Thị trường đã bước sang tháng 8 trong trạng thái biến động mạnh, khi một vài dữ liệu kinh tế đáng thất vọng làm dấy lên mối lo về suy thoái kinh tế và khả năng Fed đã quá chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất. Hôm 5/8, S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2022, khiến chứng khoán toàn cầu “đỏ lửa” theo.
Tuy nhiên, các dữ liệu mới trong tuần vừa rồi đã giúp xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư, củng cố những tia hy vọng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có được một cuộc hạ cánh mềm.
Các nhà đầu tư lạc quan khi đón nhận báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 7 tốt hơn dự báo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm xuống, và báo cáo tài chính khả quan của hãng bán lẻ Walmart. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 ghi nhận mức tăng thấp nhất trong hơn 3 năm.
“Thị trường đã phục hồi gần như hoàn toàn sau đợt bán tháo vì nỗi lo suy thoái quá mức xuất hiện vào đầu tháng này. Nhưng chúng tôi cho rằng mức độ biến động của thị trường sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm nay”, Giám đốc điều hành Greg Marcus của công ty UBS Private Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.
“Nhìn chung, chúng tôi lạc quan về thị trường, nhưng không cho rằng thị trường sẽ đi lên theo một đường thẳng. Nền kinh tế đang giảm tốc và có thể sẽ có một số dữ liệu kinh tế xung đột trong những tháng sắp tới. Điều đó sẽ khiến cho cuộc tranh luận về suy thoái tiếp diễn”, ông Marcus phát biểu.
Nhà đầu tư đang kỳ vọng sẽ có được một cái nhìn rõ hơn về triển vọng đường đi của lãi suất, và họ hiện đang đặt cược rằng Fed sẽ giảm lãi suất 3 lần trong thời gian còn lại của năm nay, với đợt giảm đầu tiên diễn ra vào tháng 9. Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu vào ngày thứ Sáu tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming. Trước đó, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 7 vào ngày thứ Tư.
“Chúng tôi kỳ vọng Chủ tịch Fed sẽ đưa ra thông điệp vào ngày thứ Sáu này rằng Fed có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng tới. Nhưng ông ấy sẽ không cam kết cụ thể về mức giảm lãi suất”, một báo cáo của TD Securities nhận định.
Thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng chỉ 25% Fed sẽ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 18/9. Mức giảm thực tế sẽ phụ thuộc nhiều vào báo cáo việc làm tháng 8.
Trong một báo cáo mới công bố, ngân hàng Goldman Sachs hạ khả năng nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ về mức 20% từ 25% trước đó, không lâu sau khi nâng khả năng này từ 15% lên 25%.
Theo chiến lược gia Henry Allen của ngân hàng Deutsche Bank, dù thị trường đã bình tĩnh trở lại, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý rằng các yếu tố nền tảng dẫn tới bán tháo trên toàn cầu cách đây 2 tuần vẫn chưa hoàn toàn biến mất. “Dữ liệu kinh tế trên toàn cầu đang ngày càng yếu đi. Lạm phát giảm đồng nghĩa chính sách tiền tệ thực tế ngày càng thắt chặt hơn, mối lo về địa chính trị đang cao, và chúng ta đang bước vào một giai đoạn khó khăn mang tính mùa vụ”, ông Allen viết trong một báo cáo được hãng tin Reuters trích dẫn.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,02 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, chốt ở mức 77,66 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại London giảm 2,28 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 74,37 USD/thùng.
Giá dầu chịu áp lực giảm từ khả năng thành công ngày càng lớn của cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza và những dấu hiệu suy yếu của kinh tế Trung Quốc.
“Thị trường dầu đang đương đầu với áp lực giảm do kỳ vọng các bên sẽ đi tới được một thỏa thuận ngừng bắn”, ông Bob Yawger - Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của ngân hàng Mizuho ở New York - nhận định với Reuters.
Ngày thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng nỗ lực ngoại giao mới nhất của Washington nhằm đạt một thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza “có lẽ là cơ hội tốt nhất và cơ hội cuối cùng”. Ông Blinken cũng kêu gọi các bên liên quan hành động tích cực để đưa thỏa thuận qua vạch đích.
Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Gaza đang làm giảm bớt rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu, trong khi những tin tức ảm đạm về kinh tế Trung Quốc trong tuần vừa rồi làm dấy lên mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
“Mối lo dai dẳng về sự giảm tốc nhu cầu dầu ở Trung Quốc khiến dầu bị bán tháo”, Chủ tịch Hiroyuki Kikukawa của công ty NS Trading nhận định, và nói rằng mùa lái xe cao điểm ở Mỹ đang dần khép lại cũng là một nhân tố khác gây áp lực giảm lên giá dầu.