Trong bài phát biểu kéo dài một tiếng về vấn đề kinh tế ngày 14/8 tại Asheville, bang North Carolina, ông Trump cam kết sẽ làm cho giá cả ô tô, nhà ở, bảo hiểm và thuốc kê đơn giảm xuống. Đồng thời, vị cựu Tổng thống cũng chỉ trích chính quyền tổng thống Joe Biden về việc giá cả leo thang ở Mỹ.
“Có ai ở đây cảm thấy sung túc hơn dưới chính quyền của Joe Biden và Kamala Harris so với chính quyền Trump không?”, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa đặt câu hỏi tại sự kiện. “Nếu bà Kamala Harris đắc cử, sẽ là một cuộc khủng hoảng kinh tế mang tên Kamala, một cuộc suy thoái tương tự như năm 1929. Còn nếu tôi thắng, chúng ta sẽ lập tức khởi đầu một cuộc bùng nổ kinh tế hoàn toàn mới mang tên Trump”.
Sau khi ông Biden tuyên bố dừng nỗ lực tranh cử, hôm 5/8, Phó Tổng thống Harris đã được chọn trở thành ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ, đối đầu ông Trump trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 tới.
Trong bài phát biểu, ông Trump cũng hứa sẽ tiếp tục chương trình giảm thuế mà ông khởi xướng vào năm 2017 khi còn là tổng thống và khẳng định nước Mỹ sẽ “trả hết nợ”.
Tuy nhiên, theo Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giám sát các vấn đề về ngân sách liên bang Mỹ, đề xuất gia hạn Đạo luật về Việc làm và Cắt giảm thuế 2017 của ông Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tới năm 2035 tăng thêm 5 nghìn tỷ USD.
Tại sự kiện, đằng sau bục phát biểu của vị cựu Tổng thống là một biển hiệu lớn với dòng chữ “Không thuế An sinh Xã hội”, “Không thuế tiền boa”.
Theo tính toán của CRFB, việc giảm thuế với phúc lợi An sinh Xã hội sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng thêm 1,6 nghìn tỷ USD và thêm 250 tỷ USD nữa nếu giảm thuế tiền boa.
“Mức thâm hụt khổng lồ hiện tại của nước Mỹ sẽ giảm về không”, ông Trump hứa. “Đất nước chúng ta sẽ vận hành nhờ sức mạnh tăng trưởng”.
Tuy nhiên, so với ông Trump, bà Harris nhận được sử tin tưởng lớn hơn của cử tri trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế. Theo một cuộc khỏa sát do tờ báo Financial Times phối hợp với trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan thực hiện, 42% cử tri được hỏi tin tưởng bà Harris hơn về chính sách kinh tế, so với 41% người tin tưởng ông Trump. Tỷ lệ của bà Harris đã tăng 7 điểm phần trăm so với tỷ lệ tin tưởng dành cho ông Biden vào tháng trước – trước khi ông ngừng tranh cử.
Dù sức khỏe nền kinh tế Mỹ và số liệu việc làm vẫn tốt, ông Biden đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục cử tri rằng các chính sách kinh tế của mình mang lại lợi ích cho họ. Điều này vẫn tiếp diễn sau khi ông tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử.
Theo kết quả thăm dò, đa số người Mỹ vẫn xem lạm phát là mối lo lớn nhất. Trong khảo sát nói trên, chỉ 19% cử tri được hỏi nói rằng ở thời điểm hiện tại họ sống sung túc hơn so với thời điểm ông Biden nhậm chức vào năm 2021.
Tuy nhiên, kết quả thăm dò cũng cho thấy bà Harris có khả năng tạo sự cách biệt với ông Biden về các vấn đề kinh tế. 60% cử tri được hỏi nói rằng Phó tổng thống có thể thay đổi hoàn toàn hoặc phần lớn các chính sách kinh tế của ông Biden.
Một tin tức lạc quan với bà Harris là dữ liệu công bố ngày 14/8 cho thấy lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống còn 2,9% trong tháng 7. Đây là một trong những cơ sở vững chắc để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng sau.
Bà Harris dự kiến có một bài phát biểu về vấn đề kinh tế tại bang North Carolina để giới thiệu các chính sách kinh tế trước Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Dân chủ vào tuần tới.