June 07, 2023 | 08:12 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu đi xuống

Bình Minh -

Phiên ngày thứ Ba chứng kiến sự lưỡng lự của các chỉ số, khi nhà đầu tư có khuynh hướng tạm nghỉ sau khi chỉ số S&P 500 đã tăng 20% kể từ mức đáy thiết lập vào tháng 10 năm ngoái...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/6) nhờ sự dẫn dắt của những nhóm cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với chu kỳ kinh tế, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tuần tới. Giá dầu thô giảm vì mối lo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc có thể gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, bất chấp động thái cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia.

Theo dự báo, dữ liệu lạm phát sẽ cho thấy giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 5 giảm tốc nhẹ so với tháng 4, nhưng lạm phát lõi vẫn dai dẳng ở mức cao. Về cuộc họp của Fed, thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất.

Phiên ngày thứ Ba chứng kiến sự lưỡng lự của các chỉ số, khi nhà đầu tư có khuynh hướng tạm nghỉ sau khi chỉ số S&P 500 đã tăng 20% kể từ mức đáy thiết lập vào tháng 10 năm ngoái. Trong đợt tăng đó, các chỉ số chính được thúc đẩy bởi đà đi lên mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn, mùa báo cáo tài chính khả quan hơn dự kiến, và những tia hy vọng rằng Fed đã tiến gần tới kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 10,42 điểm, tương đương tăng 0,03%, đạt 33.573,28 điểm. S&P 500 tăng 0,24%, đạt 4.283,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,36%, đạt 13.276,42 điểm.

“Có vẻ như nhà đầu tư đang lạc quan”, CIO Jack Ablin của công ty Cresset Capital phát biểu. “Thời gian qua, sự tăng điểm của thị trường chỉ tập trung vào một số cổ phiếu. Nhưng bây giờ, sự tăng điểm đã diễn ra trên diện rộng hơn, và đó là tin tốt”.

Trong khi nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn vẫn là những cổ phiếu đơn lẻ tăng mạnh nhất trong phiên này, nhóm tài chính mới là nhóm tăng mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, với mức tăng 1,33%.

Các số liệu kinh tế gần đây và một số phát biểu mềm mỏng của giới chức Fed đã làm gia tăng khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào ngày 13-14/6. Dù vậy, thị trường tin rằng cuộc chiến chống lạm phát của Fed sẽ không dừng ở đây, mà Fed có thể sẽ tính đến việc tăng lãi suất trong một cuộc họp nào đó trong thời gian đến cuối năm.

Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng 80% Fed giữ nguyên lãi suất trong khoảng 5-5,25% trong cuộc họp sắp tới. Khả năng Fed nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 là 50%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,42 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 76,29 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,41 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 71,74 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng trong phiên ngày thứ Hai sau khi Saudi Arabia vào cuối tuần tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu về mức 9 triệu thùng/ngày từ tháng 7 cho tới hết năm, từ mức khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Ngoài ra, nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới này cũng bất ngờ tăng giá bán dầu thô đối với khách mua ở khu vực châu Á.

Tuy nhiên, động thái cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia khó có thể đạt mang lại một “sự tăng giá bền vững” lên vùng quanh mốc 90 USD/thùng vì nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đang yếu, nguồn cung dầu ngoài OPEC tăng lên, tăng trưởng kinh tế giảm tốc ở Trung Quốc, và nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu - theo một báo cáo của Citi.

Gây áp lực giảm lên giá dầu phiên này còn có sự tăng giá của đồng USD, khi chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng lên mức cao nhất 10 tuần.

“Giá dầu thô đang chịu áp lực giảm vì mối lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến cho triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu xấu đi”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty dữ liệu Oanda nhận định.

Số liệu của Đức công bố ngày thứ Ba cho thấy số đơn đặt mua hàng hoá công nghiệp của Đức bất ngờ giảm trong tháng 4. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trên cơ sở cho rằng Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác đang cho thấy độ vững vàng cao hơn kỳ vọng. WB nhận định lãi suất cao và tình trạng thắt chặt tín dụng sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho kinh tế toàn cầu năm 2024.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng từ mức 11,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 12,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 12,8 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Mức sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ hiện nay là 12,3 triệu thùng/ngày thiết lập vào năm 2019.

EIA cũng dự báo nhu cầu dầu của Mỹ sẽ tăng từ mức 20,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 20,4 triệu thùng/ngày trong năm nay và 20,7 triệu thùng/ngày vào năm tới. Năm 2005, mức tiêu thụ dầu của nước này đạt kỷ lục 20,8 triệu thùng/ngày.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate