Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng tăng mạnh trong phiên ngày thứ Năm (17/3), khi nhà đầu tư tiếp tục đánh giá về chủ trương thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và tạm thời bớt lo lắng về nguy cơ vỡ nợ của Nga sau khi các chủ nợ của nước này nhận được tiền. Giá dầu thô lấy lại mốc 100 USD/thùng do mối lo gián đoạn nguồn cung.
Thị trường yên tâm khi được đảm bảo rằng ít nhất ở thời điểm hiện tại, Nga đã thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ trái phiếu quốc tế lần đầu tiên trong một thế kỷ. Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng chủ nợ của Nga đã nhận được tiền lãi trái phiếu đáo hạn tuần này, bằng USD.
Tính đến phiên này, cả S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đã có chuỗi ba phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 11/2020. Việc Nga không vỡ nợ đã góp phần giúp gia tăng tâm lý ham thích rủi ro, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào một cuộc săn cổ phiếu.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 1,23%; Dow Jones tăng 1,23%; và Nasdaq tăng 1,33%.
Hôm thứ Tư, Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, một động thái không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường, đồng thời kỳ vọng sẽ có thêm 6 lần nâng lãi suất nữa trong năm nay. Chủ trương này của Fed được xem là quyết liệt nhưng rõ ràng, nên không khiến nhà đầu tư lo lắng nhiều. Trong phiên ngày thứ Tư, chứng khoán Mỹ đã chốt phiên với mức tăng mạnh, dù đã giảm điểm ngay sau khi Fed công bố kết quả cuộc họp.
Việc Nga thanh toán nợ đúng hạn và nhân tố kỹ thuật sau đợt giảm sâu vừa rồi đã tạo sức bật cho các chỉ số - theo nhà quản lý quỹ Michael James thuộc Wedbush Securities. “Điều này giúp cho nhà đầu tư có được sự lạc quan thận trọng, thay cho tâm trạng bi quan phủ bóng lên thị trường suốt từ đầu tháng 4 đến nay”, ông James nói.
“Mọi người đang cảm thấy thoải mái với sự thật rằng lãi suất sẽ tăng cao lên. Không có điều bất ngờ tiêu cực nào trong kế hoạch sắp tới của Fed, cũng như trong những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell, nên mọi người có cảm giác rằng trong ngắn hạn, mọi chuyện sẽ không có gì tệ hơn”, ông James nhận định.
Theo CEO Phil Blancato của Ladenburg Thalmann Asset Management, việc Nga-Ukraine tiếp tục đàm phán ngừng bắn cũng có lợi cho tâm lý thị trường.
“Những gì diễn ra trên thị trường ngày hôm nay là sự tiếp nối của hôm qua. Đang có khả năng tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhà đầu tư cũng phản ứng tích cực với cuộc họp Fed và giá cổ phiếu đang tốt để nhà đầu tư tham gia thị trường”, ông Blancato nói.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, mức tăng mạnh nhất phiên này thuộc về nhóm dầu khí. Nhờ giá dầu tăng 8% sau mấy phiên giảm sâu liên tiếp, nhóm dầu khí tăng 3,5%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 8,62 USD/thùng, tương đương tăng 8,8%, chốt ở 106,64 USD/thùng. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của dầu Brent kể từ giữa năm 2020.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 7,94 USD/thùng, tương đương tăng 8,35%, chốt ở 102,98 USD/thùng.
Dầu tăng giá mạnh trở lại do nỗi lo gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga. Trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng từ tháng 4 trở đi, nguồn cung dầu Nga ra thị trường toàn cầu có thể hao hụt 3 triệu thùng/ngày. Con số này lớn hơn mức giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu toàn cầu do giá cao được dự báo là 1 triệu thùng/ngày.
Morgan Stanley nâng dự báo giá dầu Brent quý 3 năm nay thêm 20 USD/thùng, lên 120 USD/thùng. Ngân hàng Mỹ này cho rằng sản lượng dầu của Nga sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày từ tháng 4 trở đi, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo chỉ giảm 600.000 thùng/ngày so với dự báo cũ.
“Mối lo về gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga đã quay trở lại”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital phát biểu.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng nguồn cung năng lượng từ Nga sẽ duy trì ổn định, bất chấp tình hình địa chính trị căng thẳng – Interfax đưa tin.