Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/9), trong bối cảnh nhà đầu tư chờ loạt báo cáo quan trọng về lạm phát và việc làm dự kiến công bố trong tuần này - những điểm dữ liệu có thể mang lại manh mối mới về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô giằng co nhẹ, khi mối lo về lãi suất cao tiếp tục gây áp lực, nhưng khả năng có sự gián đoạn nguồn cung lại hỗ trợ.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 213,08 điểm, tương đương 0,62%, đạt 34.559,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,63%, đạt 4.433,31 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,84%, đạt 13.705,13 điểm.
Sắc xanh phủ khắp các bảng điện tử ở Phố Wall ngay từ khi thị trường mở cửa, dù nhà đầu tư nghiền ngẫm phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào hôm thứ Sáu rằng Fed có thể cần phải tăng thêm lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tâm điểm chú ý của tuần này là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được ưa chuộng của Fed - dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm, và báo cáo việc lạm tổng quát tháng 8 dự kiến được công bố vào ngày thứ Sáu.
“Việc ông Powell không nói điều gì quá cứng rắn hay điều gì khiến thị trường đặc biệt lo ngại là một lý do khiến tâm lý ham thích rủi ro chiếm ưu thế trong ngày hôm nay. Giá cổ phiếu tăng ngày hôm nay, cho dù ông Powell không hề tỏ ra mềm mỏng chút nào trong bài phát biểu hôm thứ Sáu”, nhà phân tích Ross Mayfield của công ty Baird nhận định.
Ba cổ phiếu lớn nổi bật của phiên này là hãng chip Nvidia với mức tăng 1,78%; hãng công nghiệp 3M với mức tăng 5,2%; và ngân hàng Goldman Sachs với mức tăng 1,8%. Trong đó, Nvidia là cổ phiếu thành viên S&P 500 được giao dịch nhiều nhất phiên này, với lượng cổ phiếu trị giá 31 tỷ USD được sang tay.
3M tăng mạnh sau khi có tin công ty dự kiến chi hơn 5,5 tỷ USD để giải quyết hơn 300.000 đơn kiện cho rằng công ty bán nút bịt lỗ tai chiến đấu kém chất lượng cho quân đội Mỹ. Goldman Sachs tăng sau khi ngân hàng này ký kết một thoả thuận bán một bộ phận tư vấn đầu tư cho công ty quản lý gia sản Creative Planning.
Cổ phiếu VinFast duy trì đà tăng của tuần trước, chốt phiên này với mức tăng 13,58 USD/cổ phiếu, tương đương tăng 19,75%, đạt 82,35 USD/cổ phiếu.
Với phiên tăng này, giá trị vốn hoá thị trường của hãng xe điện đến từ Việt Nam đạt hơn 191,2 tỷ USD, cách không xa mức vốn hoá của “đế chế” ô tô Nhật Bản Toyota – công ty hiện có vốn hoá khoảng 226,3 tỷ USD.
Trong xếp hạng tỷ phú thời gian thực của tạp chí Forbes, ông Vượng tiếp tục là người kiếm nhiều tiền nhất thế giới ngày 28/8. Khối tài sản ròng cá nhân của ông tăng thêm 10,2 tỷ USD, vượt xa người có mức tăng tài sản nhiều thứ hai trong cùng ngày là “ông trùm” đồ hiệu Pháp Bernard Arnault - người có tài sản tăng thêm 3,5 tỷ USD.
Theo Forbes, ông Vượng hiện có 66 tỷ USD tài sản ròng và là người giàu thứ 16 trên thế giới. Tuy nhiên, trong một xếp hạng tỷ phú uy tín khác là Bloomberg Billionaires Index, vị trí tương ứng thuộc về một nhà Walton, gia tộc nắm hãng bán lẻ Walmart. Xếp hạng này cũng không có tên ông Vượng.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,06 USD/thùng, còn 84,42 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,27 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 80,1 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu giảm tuần thứ hai liên tiếp, vì mối lo rằng Fed có thể phải tăng thêm lãi suất để chống lạm phát. Tuy nhiên, cơn bão nhiệt đới Idalia được dự báo sẽ mạnh lên trên vịnh Mexico, có thể gây gián đoạn hoạt động sản xuất dầu ở khu vực này.
Theo chiến lược gia trưởng Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank, thị trường vẫn đang chờ xem “Trung Quốc có hành động gì để hỗ trợ nền kinh tế, cơn bão Idalia diễn biến thế nào, và liệu giá dầu Brent có giữ được trên 85 USD/thùng hay không”.
Giá dầu gần đây duy trì trên ngưỡng 80 USD/thùng nhờ hỗ trợ từ lượng dầu tồn kho giảm và nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Theo dự kiến, Saudi Arabia sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 10 - nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.