November 24, 2022 | 07:45 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp, giá dầu lao dốc mạnh khi giá trần dầu Nga cao bất ngờ

Bình Minh -

“Những diễn biến trên thị trường đều nói lên một điều rằng nhà đầu tư đang lo lắng về một thứ duy nhất, và đó là Fed và những gì Fed nghĩ về chính sách tiền tệ"...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (23/11), sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố cho thấy tín hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất. Giá dầu thô giảm mạnh sau tin về trần giá dầu Nga và thống kê cho thấy lượng tồn kho xăng của Mỹ tăng vượt dự báo.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,28%, chốt ở 34.194,06 điểm. Chỉ số S&p 500 tăng 0,59%, đạt 4.027,26 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,99%, đạt 11.285,32 điểm.

Cả ba chỉ số đã có một phiên giằng co mạnh sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra vào đầu tháng 11 này. Nội dung của biên bản cho thấy Fed nhận thấy đã có tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát và đang muốn tăng lãi suất với tốc độ chậm lại. Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ áp dụng những bước nhảy lãi suất ngắn hơn trong những đợt tăng trong thời gian còn lại của năm nay và trong năm 2023.

“Một tỷ lệ lớn các thành viên dự họp của Fed đánh giá rằng sẽ là phù hợp nếu Fed sớm giảm tốc độ tăng lãi suất”, biên bản có đoạn viết. “Độ trễ khó đoán và mức độ của các hiệu ứng từ hành động chính sách tiền tệ đối với các hoạt động kinh tế và lạm phát là vài trong số những lý do được đưa ra để lý giải vì sao đánh giá như vậy là quan trọng”.

Trong cuộc họp tháng 11, Fed đã có đợt nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp, đưa lãi suất chính sách lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Giới chuyên gia hiện nghiêng về dự báo Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12.

“Những diễn biến trên thị trường đều nói lên một điều rằng nhà đầu tư đang lo lắng về một thứ duy nhất, và đó là Fed và những gì Fed nghĩ về chính sách tiền tệ”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của B. Riley Financial phát biểu. Bất kỳ thông tin nào gây dịch chuyển kỳ vọng về những đợt tăng lãi suất tiếp theo đều quan trọng đối với thị trường, nhất là trong bối cảnh khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp vì đây là tuần giao dịch được rút ngắn do có kỳ nghỉ lễ Tạ ơn.

Thị trường tài chính Mỹ sẽ nghỉ lễ phiên ngày thứ Năm và đóng cửa sớm trong phiên ngày thứ Sáu.

Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của tuần trước là 240.000, cao hơn con số dự báo 225.000 được các chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của Dow Jones. Kết quả này là một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ có thể đang suy yếu - cơ sở quan trọng để Fed tăng lãi suất chậm lại.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London sụt 3,57 USD/thùng, tương đương giảm 4%, đóng cửa ở 84,79 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York trượt 3,5 USD/thùng, tương đương giảm 4,3%, còn 77,45 USD/thùng.

Báo cáo tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho xăng của Mỹ tăng 3,1 triệu thùng trong tuần trước, lớn hơn nhiều so với mức dự báo tăng 383.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

“Dự trữ xăng tăng đến như vậy là một cú sốc, vì cho thấy nhu cầu tiên thụ xăng có thể đã qua đỉnh, vào đúng thời điểm bước vào mùa nghỉ lễ cuối năm”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.

Giá dầu chịu thêm áp lực giảm từ thông tin nói rằng trần giá mà nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) áp lên dầu thô Nga có thể cao hơn so với mức giá thị trường hiện nay của dầu Nga. Một quan chức châu Âu ngày 23/11 tiết lộ rằng G7 dự định áp dụng trần giá đối với dầu Nga vận chuyển bằng đường biển ở ngưỡng 65-60 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu thô Urals của Nga bán cho khách hàng Tây Âu hiện đang giao dịch ở mức giá 62-63 USD/thùng, và giá bán cho khách ở khu vực Địa Trung Hải có cao hơn, trong khoảng 67-68 USD/thùng – theo dữ liệu từ Refinitiv.

Do chi phí sản xuất dầu được ước tính ở mức khoảng 20 USD/thùng, trần giá như trên đồng nghĩa với việc Nga vẫn có lãi khi bán dầu và điều này có nghĩa là thị trường dầu toàn cầu có thể tránh được sự thiếu hụt thêm nguồn cung.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng trần giá dầu Nga có thể sẽ được điều chỉnh vài lần một năm.

Thị trường dầu còn đang lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và đang chật vật xoay sở với số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Các biện pháp chống Covid vốn dĩ đã nghiêm ngặt của Trung Quốc đang được thắt chặt ở nhiều địa phương, bao gồm thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate