Báo cáo mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu tăng trưởng 3,1% trong năm nay và chỉ tăng 2,2% trong năm 2023.
Tuy không cho rằng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, dự báo của OECD bi quan hơn nhiều so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong báo cáo công bố vào tháng trước, IMF cho rằng nền kinh tế toàn cầu tăng 3,2% và tăng 2,7% trong năm tới.
“Triển vọng mong manh” của nền kinh tế toàn cầu là một hệ quả trực tiếp của chiến tranh giữa Nga và Ukraine - cuộc chiến đã châm ngòi cho khủng hoảng năng lượng và qua đó đẩy lạm phát tăng cao trên toàn cầu, theo OECD. “Lạm phát dai dẳng, giá năng lượng cao, tăng trưởng thu nhập thực tế của hộ gia đình suy yếu, niềm tin suy giảm, và các điều kiện tài chính thắt chặt đều được cho sẽ là các nhân tố gây suy giảm tăng trưởng”, tuyên bố ngày 22/11 của OECD nhận định. Tổ chức có trụ ở Paris, Pháp cũng nói rằng nếu giá năng lượng tăng lên mức cao hơn hoặc nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thậm chí có thể yếu hơn dự báo.
Theo OECD, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ “phụ thuộc nhiều” vào các nền kinh tế lớn ở châu Á - nhóm sẽ chiếm gần 3/4 tăng trưởng GDP toàn cầu trong khi cả kinh tế Mỹ và châu Âu cùng giảm tốc mạnh.
Ấn Độ được dự báo sẽ là nền kinh tế tăng trưởng mạnh thứ nhì thế giới trong năm nay và năm tới, với mức tăng trưởng đạt tương ứng 6,6% và 5,7%. Saudi Arabia được OECD sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong cả năm 2022 và 2023. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 3,3% năm nay và tăng 4,6% trong năm tới.
Ngược lại, kinh tế Mỹ được dự báo chỉ tăng 1,8% trong năm nay và 0,5% trong năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của 19 nước EU sử dụng đồng Euro, tức khối Eurozone, cũng được dự báo giảm mạnh trong hai năm tới, từ 3,3% trong năm 2022 còn 0,5% trong năm 2023.
Phát biểu trước báo giới ngày 22/11, Tổng thư ký OECD Matthias Cormann nói rằng kinh tế châu Âu và Mỹ còn tăng trưởng được chẳng qua một phần nhờ vào chi tiêu của chính phủ cho trợ cấp năng lượng và các chính sách thúc đẩy đầu tư như NextGeneration EU và Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Ngoài ra, tiền tiết kiệm của các hộ gia đình và doanh nghiệp trong giai đoạn dầu của đại dịch cũng là nhân tố hỗ trợ tiêu dùng ở thời điểm hiện nay.
“Kết thúc chiến tranh sẽ là cách tốt nhất để cải thiện triển vọng kinh tế toàn cầu”, ông Cormann nói.
Tổng thư ký OECD dự báo lạm phát sẽ còn trên 9% tại các nền kinh tế phát triển trong năm nay, trước khi giảm về ngưỡng 6,6% trong năm 2023 - cao hơn một chút so với dự báo mà IMF đưa ra.
Các ngân hàng trung ương lớn đặt mục tiêu lạm phát 2% và đã lãi suất liên tục trong năm nay nhằm hạn chế đà tăng của giá cả. Tuy nhiên, chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ này cũng làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu vì làm gia tăng gánh nặng nợ nần đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.
“Lãi suất cao hơn, dù cần thiết để chống lạm phát, sẽ gia tăng thách thức tài chính đối với cả doanh nghiệp và hộ gia đình”, OECD nhận định. “Các quốc gia thu nhập thấp sẽ vẫn là đối tượng đặc biệt dễ tổn thương trước giá lương thực-thực phẩm và giá năng lượng cao, trong khi các điều kiện tài chính thắt chặt có thể làm gia tăng rủi ro xuất hiện tình trạng căng thẳng nợ (debt distress)”.
Trong một cuộc trao đổi gần đây với hãng tin CNN, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass nói rằng định chế này “lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu năm 2023” nhưng Mỹ “khoẻ hơn một chút so với các nền kinh tế khác”.