Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (21/8), sau khi nội dung biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) củng cố khả năng giảm lãi suất trong tương lai gần. Giá dầu thô mất hơn 1 USD/thùng vì số liệu việc làm của Mỹ được điều chỉnh giảm mạnh, gây lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,42%, đạt 5.620,85 điểm. Đây là phiên tăng thứ 9 của S&P 500 trong vòng 10 phiên giao dịch trở lại đây, đưa thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ lên mức chỉ còn cách 1% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại. Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của chỉ số, có 4 nhóm đạt mức cao nhất 52 tuần trong phiên này.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,57%, đạt 17.918,99 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 9 trong vòng 10 phiên gần nhất. Chỉ số Dow Jones tăng 55,52 điểm, tương đương tăng 0,14%, đạt 40.890,49 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 6 trong vòng 7 phiên.
Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed được công bố ngày thứ Tư cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nhận định rằng khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 đã tăng lên. Phần lớn các thành viên dự họp cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ là phù hợp nếu các số liệu kinh tế tiếp tục diễn biến phù hợp với dự báo.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai tiếp tục đặt cược khả năng 100% Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Câu hỏi đặt ra ở Phố Wall bây giờ không còn là Fed có giảm lãi suất vào tháng tới hay không, mà là Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu vào tháng tới.
Sau biên bản cuộc họp Fed, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư hướng tới bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Sáu tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên ở Jackson Hole, bang Wyoming. Thị trường mong mỏi rằng trong bài phát biểu này, ông Powell sẽ cung cấp thêm những manh mối mới về quyết định lãi suất mà Fed dự định đưa ra vào ngày 18/9.
“Ai cũng ngóng xem Fed sẽ làm gì sắp tới. Tôi cho rằng thị trường, ít nhất ở thời điểm này, đã không còn lo lắng về tăng trưởng kinh tế và thay vào đó tập trung vào chu kỳ giảm lãi suất của Fed”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của công ty Independence Advisor Alliance phát biểu với hãng tin CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,15 USD/thùng, tương đương giảm 1,49%, còn 76,05 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,24 USD/thùng, tương đương giảm 1,69%, còn 71,93 USD/thùng.
Dù triển vọng Fed sắp hạ lãi suất hỗ trợ giá dầu, giá “vàng đen” đương đầu với áp lực giảm từ một báo cáo việc làm đến từ Bộ Lao động Mỹ.
Trong báo cáo này, các nhà thống kê của Bộ Lao động điều chỉnh giảm mạnh số lượng việc làm được tạo ra trong nền kinh tế Mỹ trong khoảng thời gian 1 năm tính đến hết tháng 3 năm nay. Theo đó, tổng số lượng việc làm mới trong kỳ báo cáo giảm 818.000 công việc so với lần công bố đầu tiên.
Các nhà đầu tư dầu lửa lo ngại rằng thị trường việc làm xấu hơn đánh giá ban đầu có thể dẫn tới suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Mối lo này nổi lên ngay cả khi lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm - một dấu hiệu của sự khởi sắc nhu cầu.
Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này đã giảm 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 16/8, còn 426 triệu thùng. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với dự báo giảm 2,7 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trước đó trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Các cuộc đàm phán ngừng bắn cho dải Gaza - một nguyên nhân khiến giá dầu giảm liên tục gần đây - chưa có bước tiến mới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày thứ Tư để thảo luận về các biện pháp nhằm đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến công du chớp nhoáng tới Trung Đông vào ngày thứ Ba mà không đạt được một thỏa thuận nào giữa Israel với Hamas để đi tới ngừng bắn ở Gaza.