August 20, 2024 | 10:43 GMT+7

Goldman Sachs giảm khả năng kinh tế Mỹ suy thoái

Bình Minh -

Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng các số liệu kinh tế công bố sau ngày 2/8 đến nay “không cho thấy dấu hiệu nào của suy thoái”...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Trong một báo cáo mới công bố, Goldman Sachs cắt giảm khả năng sớm xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ, cho rằng khả năng này hiện chỉ ở mức 20%. Động thái này diễn ra không lâu sau khi Goldman Sachs tăng khả năng xảy ra suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới lên 25% do số liệu việc làm ảm đạm.

Đầu tháng 8 này, sau khi có báo cáo việc làm tháng 7, các nhà kinh tế học của Goldman Sachs đã nâng rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ từ mức 15%

Bản báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 2/8 cho thấy số lượng việc làm phi nông nghiệp mới trong nền kinh tế Mỹ chỉ đạt 114.000 công việc trong tháng trước, thấp hơn nhiều so với con số đã điều chỉnh 179.000 công việc mới của tháng 6 và con số dự báo 185.000 công việc mới mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Báo cáo việc làm tháng 7 đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, dẫn tới một cuộc bán tháo mạnh mẽ nhưng chóng vánh trên thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu. Nhà đầu tư khi đó cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ lãi suất quá cao quá lâu, đặt nền kinh tế trước rủi ro “hạ cánh cứng” - chống được lạm phát nhưng hệ quả là kinh tế suy thoái.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 tăng lên mức 4,3% từ 4,1% trước đó cũng kích hoạt “Quy tắc Sahm” (Sahm Rule) - một chỉ báo về nền kinh tế chớm rơi vào suy thoái khi trung bình động 3 tháng của tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cao hơn ít nhất nửa điểm phần trăm so với mức thấp trong kỳ 12 tháng gần nhất.

Sau khi báo cáo trên được công bố, Goldman Sachs đã nhanh chóng nâng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái từ 15% lên 25%. Tuy nhiên, vào cuối tuần vừa rồi, ngân hàng Mỹ này một lần nữa thay đổi quan điểm, giảm khả năng này về 20%, trên cơ sở nhận định rằng các số liệu kinh tế công bố sau ngày 2/8 đến nay “không cho thấy dấu hiệu nào của suy thoái”.

Trong số này có báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 7 cho thấy mức tăng trưởng 1%, so với dự báo tăng 0,3%; và báo cáo thất nghiệp lần đầu hàng tuần cho thấy người xin trợ cấp thất nghiệp ít hơn dự báo. Những số liệu này giúp cải thiện tâm lý trên thị trường tài chính, đưa giá cổ phiếu ở Phố Wall và nhiều thị trường khác tăng mạnh trong tuần trước.

“Tăng trưởng duy trì sẽ đưa nền kinh tế Mỹ trở nên giống hơn với các nền kinh tế khác trong nhóm G10, nơi Quy tắc Sahm chỉ đúng khoảng 70%”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định. Theo báo cáo này, những nền kinh tế phát triển có quy mô nhỏ hơn Mỹ như Canada đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trong chu kỳ kinh tế này, nhưng vẫn chưa rơi vào suy thoái.

Trao đổi với hãng tin CNBC, nhà kinh tế trưởng Claudia Sahm của công ty New Century Advisors, tác giả của Quy tắc Sahm, cho biết bà không tin rằng kinh tế Mỹ hiện đang suy thoái nhưng một thị trường việc làm tiếp tục đi xuống có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Báo cáo của Goldman Sachs nói nếu báo cáo việc làm tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 6/9 cho thấy mức tăng trưởng khả quan, Goldman Sachs sẽ hạ rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ trở lại 15% - mức đã duy trì trong suốt gần 1 năm cho tới đầu tháng 8 này.

Trừ phi báo cáo việc làm tháng 8 xấu hơn nhiều so với dự báo, Goldman Sachs cho rằng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, thay vì giảm 0,5 điểm phần trăm.

Cùng quan điểm trên, nhà quản lý danh mục cấp cao Rashmi Garg của công ty AI Dhabi Capital cho rằng mức giảm lãi suất 0,25 sẽ là lựa chọn của Fed trong lần cắt giảm đầu tiên “trừ phi thị trường việc làm xấu đi nhiều trong báo cáo ngày 6/9”.

Dù khả năng suy thoái kinh tế Mỹ hiện tại chưa phải là lớn, một cuộc khảo sát mới được thực hiện cho thấy người Mỹ đang ngày càng lo lắng về công ăn việc làm.

Kết quả khảo sát được Fed chi nhánh New York công bố ngày thứ Hai cho thấy tâm lý của người lao động ở Mỹ sụt giảm trong tháng 7 với mức độ thỏa mãn về việc làm, tiền lương và các chế độ phúc lợi đều giảm. Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy số người có việc làm giảm xuống, tỷ lệ người tìm việc làm tăng lên mức kỷ lục, và khả năng bình quân mà người Mỹ cho rằng mình có thể thất nghiệp tăng lên mức 4,4% - cao nhất trong lịch sử của cuộc khảo sát định kỳ được thực hiện lần đầu cách đây 10 năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate