November 23, 2021 | 07:43 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tụt điểm sau khi ông Powell được chọn làm Chủ tịch Fed thêm một nhiệm kỳ

Bình Minh -

Giá dầu tăng sau khi có tin OPEC+ có thể điều chỉnh kế hoạch về tăng sản lượng...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 15/10/2021 - Ảnh: Getty/CNBC.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 15/10/2021 - Ảnh: Getty/CNBC.

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (22/11), do cổ phiếu công nghệ bị bán tháo sau khi ông Jerome Powell được Tổng thống Joe Biden chọn cho ghế Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhiệm kỳ tiếp theo.

Giá dầu tăng sau khi có tin OPEC+ có thể điều chỉnh kế hoạch về tăng sản lượng dầu nếu các nước nhập khẩu dầu lớn xả dự trữ dầu hoặc trong trường hợp đại dịch gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu.

Lựa chọn được ông Biden công bố đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, gây áp lực lên các cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 9 điểm cơ bản, đạt hơn 1,62%.

Lúc đầu, cả ba chỉ số cùng tăng điểm sau khi ông Biden đưa ra quyết định ông Powell sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị Chủ tịch Fed sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào tháng 2/2022. Nhà đầu tư lạc quan cho rằng chính sách tiền tệ của Fed sẽ giữ nguyên hướng đi trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19 và chống chọi với sự leo thang của lạm phát.

Tuy nhiên, về cuối phiên, thị trường đã đảo chiều khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không ngừng tăng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,05%, đạt 35.619,25 điểm. S&P 500 giảm 0,32%, còn 4.682,94 điểm. Nasdaq giảm 1,26%, còn 15.854,76 điểm, dù có lúc thiết lập mức điểm cao chưa từng thấy trong một phiên giao dịch.

“Sự hưng phấn đã được thúc đẩy bằng công bố rằng đương kim Chủ tịch Fed Powell sẽ được tái bổ nhiệm bởi Tổng thống Joe Biden”, chiến lược gia trưởng Jim Paulsen của Leuthold Group phát biểu. “Nỗi lo sợ đã gia tăng trong mấy tuần gần đây về việc bà Lael Brainard có thể được chọn thay cho ông Powell. Bà ấy được xem là một người có lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn nhiều, làm dấy lên mối lo về lạm phát”.

Giao dịch ở Phố Wall có thể trở nên thưa thớt trong tuần này, khi các nhà giao dịch bước vào kỳ nghỉ lễ Tạ ơn. Tuy nhiên, thị trường không vì thế mà bớt quan tâm đến một số báo cáo kinh tế quan trọng trong tuần này, bao gồm một báo cáo về ngành sản xuất của chi nhánh Fed tại Philadelphia, số liệu thất nghiệp hàng tuần, cập nhật GDP, thu nhập và tiêu dùng cá nhân, và niềm tin tiêu dùng.

Một mối lo của nhà đầu tư chứng khoán Mỹ ở thời điểm hiện nay là làn sóng Covid-19 ở châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/11 cảnh báo rằng nước này đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt.

“Số ca nhiễm mới Covid đang tăng trên toàn cầu, nhưng không có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ phải đóng cửa như trước đây”, ông Paulsen nói thêm. “Chẳng hạn, dự báo về hoạt động đi lại ở Mỹ trong kỳ nghỉ Tạ ơn năm nay đạt mức cao nhất kể từ trước đại dịch”.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,81 USD/thùng, tương đương tăng hơn 1%, chốt ở 79,7 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,81 USD/thùng, tương đương tăng hơn 1%, chốt ở 76,75 USD/thùng.

Nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng giới chức Mỹ và Nhật Bản đang bàn thảo kế hoạch phối hợp với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác để cùng xả dự trữ dầu nhằm hạ nhiệt giá dầu. Sự bàn bạc này diễn ra sau khi Chính phủ Mỹ không thể thuyết phục Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, tăng sản lượng dầu mạnh hơn.

OPEC+ từ chối đề nghị của Mỹ với lý do thế giới không hề thiếu dầu. Đầu tháng này, OPEC+ quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 12.

“OPEC+ đang gửi đi một tín hiệu rằng nếu các nước kia xả dự trữ dầu, thì liên minh có thể hãm sản lượng để cân bằng ảnh hưởng đối với giá dầu”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn thuộc Price Futures ở Chicago nhận định.

Theo ông Fereidun Fesharaki, Chủ tịch công ty tư vấn Facts Global Energy, bất kỳ động thái xả dự trữ dầu nào cũng chỉ có thể ảnh hưởng đến giá dầu trong khoảng 2-3 tuần.

Citigroup ước tính Mỹ có thể xả 45-60 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược, và tổng mức xả của các quốc gia có thể đạt 100-120 triệu thùng hoặc hơn.

Giá dầu gần đây đã chịu áp lực giảm từ làn sóng Covid ở châu Âu, khi khả năng tái áp phong toả tại các nước trong khu vực này phủ bóng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu.

Ngày 22/11, nước Áo đã bước vào đợt phong toả toàn quốc lần thứ tư, Đức cũng triển khai các hạn chế mới và không loại trừ khả năng phải tái áp phong toả.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate