Tờ Financial Times nhận định rằng đây là bức nền phù hợp cho một nhà lãnh đạo bước sang năm mới trong lúc phải đương đầu với một loạt cuộc khủng hoảng, từ số ca nhiễm mới Covid-19 cao chưa từng thấy, cho tới chương trình nghị sự kinh tế lâm trì trệ, và căng thẳng gia tăng với Nga.
LÀN SÓNG COVID, LẠM PHÁT, GÓI 1,75 NGHÌN TỶ USD BẾ TẮC, VẤN ĐỀ NGA-UKRAINE
Hôm thứ Hai vừa rồi, Mỹ lập kỷ lục thế giới khi ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm Covid mới trong một ngày, do biến chủng Omicron lây lan với tốc dộ chóng mặt. Tình thế này đặt chính quyền của ông Biden vào thế phòng thủ, đặc biệt khi Mỹ đang ở trong tình trạng khan hiếm bộ xét nghiệm Covid và nhiều người hoang mang về quyết định của Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ giảm một nửa thời gian cách ly của người mắc Covid có triệu chứng, từ 10 ngày còn 5 ngày.
Hôm thứ Ba, ông Biden một lần nữa buộc phải cảnh báo về thời gian khó khăn sắp tới. Đây thực sự là một khoảnh khắc nhún nhường của người tiếp quản Nhà Trắng cách đây gần 1 năm với hy vọng lớn lao về đánh bại virus Sars-CoV2, và cũng là người đắc cử một phần nhờ lời hứa sẽ chống dịch hiệu quả hơn so với Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
“Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều mệt mỏi và bất mãn với đại dịch. Mấy tuần sắp tới sẽ là khoảng thời gian thách thức”, ông Biden nói trong một bài phát biểu từ Nhà Trắng. “Nhưng chúng ta sẽ vượt qua được. Chúng ta sẽ vượt qua tất cả cùng nhau”.
Làn sóng Covid này xảy ra đúng vào lúc tỷ lệ ủng hộ ông Biden trong các cuộc thăm dò dư luận bắt đầu hồi phục sau đợt giảm mạnh trước đó. Tỷ lệ cử tri Mỹ ủng hộ ông Biden sụt giảm từ tháng 8, sau khi ông ra quyết định rút lực lượng của Mỹ khỏi Afghanistan. Sự suy giảm tỷ lệ ủng hộ đó kéo dài đến cuối năm và mới chỉ có dấu hiệu đảo chiều trong thời gian gần đây.
Trên mặt trận kinh tế, đà phục hồi mạnh của nền kinh tế Mỹ đang gặp trở ngại lớn là lạm phát leo thang và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa thể được khắc phục. Những trở ngại này che mờ sự hồi phục của thị trường lao động và đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán Phố Wall, đồng thời khiến cử tri hình thành quan niệm rằng ông Biden không giỏi xử lý các vấn đề kinh tế.
Nhà Trắng còn vấp phải một khó khăn lớn vào tháng trước khi ông Joe Manchin, một thượng nghị sỹ chủ chốt của Đảng Dân chủ, rút khỏi cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy kế hoạch tăng cường phúc lợi xã hội và đầu tư hạ tầng mang tên “Build Back Better” (“Xây lại tốt hơn”) trị giá 1,75 nghìn tỷ USD mà ông Biden khởi xướng.
Hôm thứ Ba, ông Manchin nói rõ rằng ông nhận thấy chẳng có triển vọng gì trong việc nối lại cuộc thảo luận về dự luật này. Phát biểu trước các nhà báo, ông cho biết “không hề có cuộc trao đổi nào” kể từ khi ông tuyên bố phản đối dự luật. “Hiện tại, cảm nhận của tôi vẫn mạnh như khi đó”, ông nói thêm.
Nhà phân tích James Lucier thuộc Capital Alpha Partners cho rằng vẫn có khả năng Đảng Dân chủ có thể thông qua một gói chi tiêu trị giá khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, nhưng cảnh báo: “Mỗi tuần trôi qua sẽ càng khiến cho việc đạt thoả thuận trở nên khó hơn”.
Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của ông Biden đối mặt với một vấn đề nóng là căng thẳng giữa Nga với Ukraine. Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai quốc gia này là thử thách đối với các mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với châu Âu, cũng như cam kết của chính quyền ông Biden về chống lại sự gây hấn địa chính trị.
"TRIỂN VỌNG CỦA ÔNG BIDEN CHƯA ĐẾN MỨC QUÁ TỆ"
Tất cả những khó khăn trên đều dẫn tới một khả năng là ông Biden và các nghị sỹ Dân chủ khó ngăn được phe Cộng hoà giành lại quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào giữa tháng 11. Trong một kịch bản như vậy, ông Biden sẽ khó thúc đẩy được những mục tiêu kinh tế và chính trị còn dang dở trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ cầm quyền này.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Biden là chứng minh vì sao nước Mỹ chuyển từ chọn một vị Tổng thống với ít kinh nghiệm chính trị nhất trong lịch sử (tức ông Trump) sang một vị Tổng thống thuộc hàng nhiều kinh nghiệm chính trị nhất (tức ông Biden)” – nhà phân tích Ben Koltun thuộc Beacon Policy Advisors, một công ty tư vấn ở Washington, phát biểu.
Ông Koltun nói rằng ông Biden cần thương lượng được với ông Manchin về kế hoạch “Xây lại tốt hơn”, đưa Mỹ vào một vị thế vững chắc trong cuộc đàm phán với Nga, và đưa ra được một chiến lược cụ thể về chống biến chủng Omicron và lạm phát.
“Nếu không, người ta sẽ nghĩ rằng không phải ông Biden đang lãnh đạo, mà đang bị ông Manchin, Nga và Omicron dẫn dắt”, ông Koltun nói.
Trong lúc các kế hoạch kinh tế của ông Biden rơi vào ngưng trệ, các nhân vật cấp cao của Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ chuyển trọng tâm sang một dự luật bảo vệ quyền bầu cử. Đây được xem là một nỗ lực của phe Dân chủ nhằm chặn trước các bước đi của Đảng Cộng hoà ở nhiều bang để hạn chế sự tiếp cận với hòm phiếu.
Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn cố gắng tập trung vào những vấn đề sát sườn hơn của cử tri, đặc biệt là lạm phát. Hôm thứ Hai, ông Biden công bố một kế hoạch về chống lạm phát, cụ thể là chống lại sự leo thang của giá thịt. Kế hoạch này bao gồm đầu tư 1 tỷ USD để tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất thịt Mỹ. Giới phân tích nói rằng động thái này khó có thể giúp giá thịt hạ nhiệt trong thời gian sớm.
Ông Andrew Biship, trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách của Signum Global Advisors, một công ty tư vấn ở Washington, nói rằng triển vọng của ông Biden trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ có thể không tệ như những gì thể hiện qua tỷ lệ ủng hộ ông trong các cuộc thăm dò dư luận. Dữ liệu của Signum cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Biden vẫn cao hơn so với ông Trump ở cùng thời điểm của nhiệm kỳ, và sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ của ông Biden vẫn chưa mạnh như những gì Tổng thống Barack Obama trải qua trong năm đầu tiên cầm quyền.
Theo một cuộc khảo sát mới của hãng tin CNBC, tỷ lệ ủng hộ của ông Biden hiện là 44%, giảm từ mức 46% hồi tháng 9 và 51% hồi tháng 4.
“Nhìn chung, ông Biden có sức hút lớn hơn đối với các cử tri trung lập nếu so với những người tiền nhiệm của ông. Ông ấy có tiềm năng lấy lại sự ủng hộ của cử tri trung lập nhanh hơn”, ông Bishop nhận định.