Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (30/7) do nhà đầu tư bán manh cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn trong lúc chờ báo cáo tài chính từ các Big Tech và quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô giảm 1,4% do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc và khả năng OPEC+ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng trở lại.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,5%, còn 5.436,44 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,28%, còn 17.147,42 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 203,4 điểm, tương đương tăng 0,5%, đạt 40.743,33 điểm.
Cơn xả cổ phiếu Big Tech phiên này khiến Nvidia giảm 7% và Microsoft giảm 0,9%. Amazon, Netflix và Meta Platforms cũng đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ.
Tuần này có nhiều công ty công nghệ vốn hóa lớn công bố kết quả kinh doanh quý 2. Microsoft sẽ đưa ra báo cáo sau khi thị trường đóng cửa phiên chính thức ngày thứ Ba, tiếp đó là Meta, Amazon và Apple trong những ngày sau đó.
Nhìn chung, đây là một mùa báo cáo tài chính khả quan. Trong số 240 công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo tính đến thời điểm này, khoảng 80% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo - theo dữ liệu từ FactSet.
“Tăng trưởng lợi nhuận đang diễn ra ở nhiều công ty hơn trước. Nhưng chúng tôi thực sự cho rằng đối với lợi nhuận của các công ty công nghệ, ngưỡng để nhà đầu tư hài lòng là cao. Nếu có bất kỳ tín hiệu nào về sự suy giảm trong đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI), thị trường có thể giảm một chút. Tuy nhiên, thị trường đã trải qua một đợt điều chỉnh hợp lý rồi”, chiến lược gia trưởng Mona Mahajan của công ty Edward Jones nhận định.
Bà Mohajan nói thêm rằng với kịch bản kinh tế hạ cánh mềm vẫn còn đó, và khả năng Fed sắp hạn lãi suất, có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để xu hướng tăng điểm mở rộng hơn nữa, vì nhà đầu tư sẽ mua vào nhiều loại cổ phiếu hơn nữa ngoài cổ phiếu công nghệ.
Cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày của Fed đã bắt đầu vào ngày thứ Ba và sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư theo giờ Mỹ. Kỳ vọng Fed giữ nguyên lãi suất tại lần họp này, nhà đầu tư mong đợi Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát tín hiệu về thời điểm và số lần cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 là 100%, trong đó khả năng giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm là hơn 86%.
“Lạm phát đang trong xu hướng giảm, ủng hộ việc Fed hạ lãi suất. Điều này, cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế còn mạnh và tình hình lợi nhuận khả quan của doanh nghiệp, sẽ thúc đẩy nhu cầu mua vào các tài sản rủi ro và mở rộng khả năng sinh lời của các cổ phiếu khác ngoài nhóm công nghệ”, chiến lược gia trưởng Seema Shah của công ty Principal Asset Management nhận định.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,15 USD/thùng, tương đương giảm 1,4%, chốt ở mức 78,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,08 USD/thùng, tương đương giảm 1,4%, còn 74,73 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu trong vòng 7 tuần trở lại đây. Phiên này là phiên thứ hai liên tiếp giá dầu rơi vào tình trạng kỹ thuật bán quá nhiều (oversold).
Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, có thể giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7 này.
Ngày thứ Năm tuần này, một cuộc họp bộ trưởng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, sẽ được tiến hành để rà soát thị trường và kế hoạch của nhóm về thu hẹp kế hoạch cắt giảm sản lượng kể từ tháng 10. Hiện tại, thị trường tin rằng OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch này, đồng nghĩa nâng dần sản lượng trở lại.
Giá dầu gần đây còn đương đầu với áp lực giảm từ khả năng sắp có một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza. Một thỏa thuận như vậy sẽ làm suy giảm phần bù rủi ro địa chính trị trong giá dầu thô.
Theo ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của ngân hàng Mizuho, một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza có thể khiến giá dầu mất từ 4-7 USD/thùng phần bù rủi ro.