Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng trong quý 2 năm nay, nhờ tiêu dùng mạnh, chi tiêu chính phủ và hoạt động tăng lượng hàng tồn trữ của của doanh nghiệp - báo cáo ngày 25/7 của Bộ Thương mại nước này cho thấy.
Theo báo cáo trên, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt mức tăng trưởng hàng năm 2,8% trong quý 2, sau khi điều chỉnh các yếu tố mùa vụ và lạm phát. Trước đó, trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo mức tăng 2,1%. Trong quý 1, kinh tế Mỹ tăng 1,4%.
Tiêu dùng là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Mỹ trong quý 2, bên cạnh đóng góp không nhỏ từ đầu tư hàng tồn kho và đầu tư tài sản cố định của doanh nghiệp. Tiêu dùng trong nền kinh tế Mỹ tăng 2,3% trong quý 2, sau khi tăng 1,5% trong quý 1, với cả hai lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ đều ghi nhận mức tăng vững
Đối với mỗi báo cáo GDP, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có 3 lần công bố, những lần sau có thể có sự điều chỉnh số liệu so với lần đầu tiên. Đây là báo cáo GDP quý 2/2024 công bố lần thứ nhất.
Hoạt động tăng hàng tồn trữ đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP quý 2. Chi tiêu chính phủ cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung, nhờ mức tăng 3,9% của chi tiêu liên bang, trong đó có chi tiêu quốc phòng tăng 5,2%.
Trái lại, nhập khẩu tăng 6,9%, gây hiệu ứng suy giảm tăng trưởng GDP. Đây là quý mà kim ngạch nhập khẩu của Mỹ tăng mạnh nhất kể từ quý 1/2022. Xuất khẩu chỉ tăng 2%.
“Các thành phần đóng góp trong tăng trưởng GDP quý 2 năm nay cho thấy một trong những trạng thái tốt nhất mà chúng tôi quan sát được trong một khoảng thời gian đáng kể. Báo cáo này củng cố nhận định rằng nền kinh tế Mỹ đang trải qua một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ về năng suất. Trong trung hạn, sự tăng trưởng đó sẽ giúp cải thiện mức sống thông qua kéo lạm phát giảm xuống, tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền lực thực tăng lên”, nhà kinh tế trưởng Joseph Brusuelas của công ty RSM nhận định.
Fed được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới và sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Đây sẽ là đợt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương này trong 4 năm.
Báo cáo ngày 25/7 của Bộ Thương mại Mỹ cũng mang tới tin tốt về lạm phát. Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát quan trọng của Mỹ và được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa chuộng - tăng 2,6% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc từ mức tăng 3,4% ghi nhận trong quý 1. PCE lõi, thước đo không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 2,9%, so với mức tăng 3,7% trong quý 1.
Báo cáo PCE tháng 6 sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 26/7.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định báo cáo GDP “khẳng định xu hướng tăng trưởng vững và giảm lạm phát trong nền kinh tế Mỹ”.
Một chỉ số quan trọng khác là doanh số bán hàng cuối cùng cho người mua tư nhân trong nước - được Fed xem là một chỉ số chuẩn xác về nhu cầu thực trong nền kinh tế - tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức tăng của quý 1. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tiếp tục giảm, chỉ đạt 3,5% trong quý 2, so với mức 3,8% của quý 1.
Trên thực tế, bức tranh tiêu dùng của Mỹ gần đây đã xuất hiện một số vết rạn. Báo cáo hôm thứ Ba tuần này của Fed chi nhánh Philadelphia cho thấy số vụ vỡ nợ thẻ tín dụng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012. Dư nợ thẻ tín dụng cũng lập kỷ lục mới dù các ngân hàng siết chặt tiêu chuẩn tín dụng và giảm cấp thẻ mới.
Tuy nhiên, việc doanh thu bán lẻ tiếp tục tăng cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang chống chọi tốt với trở ngại từ lãi suất cao và ảnh hưởng tích tụ của mấy năm lạm phát cao.
Fed được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới và sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Đây sẽ là đợt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương này trong 4 năm. Giới chức Fed không muốn đưa ra một thời điểm cụ thể cho việc hạ lãi suất, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều tín hiệu trái chiều. Họ nói muốn có thêm số liệu để chắc chắn lạm phát đang giảm bền vững về mục tiêu 2%.
Báo cáo hàng tuần vào ngày thứ Năm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 20/7 là 235.000, giảm 10.000 so với tuần trước đó và phù hợp với dự báo. Số người tiếp tục xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhẹ còn 1,85 triệu. Lượng người thất nghiệp giảm là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn vững vàng.
Trong khi đó, một báo cáo khác cho thấy lượng đơn đặt mua hàng hóa lâu bền - như máy bay, trang thiết bị, máy tính - bất ngờ giảm 6,6% trong tháng 6 thay vì tăng 0,3% như dự báo. Nếu không bao gồm nhóm giao thông, lượng đơn đặt mua hàng hóa lâu bền tăng 0,5%.