Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (14/6) trong trạng thái thay đổi nhẹ và không đồng nhất của các chỉ số, trong bối cảnh các số liệu thống kê tuần này cho thấy kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy yếu nhưng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn duy trì sự cứng rắn về chính sách tiền tệ. Giá dầu thô giảm nhẹ, nhưng hoàn tất một tuần tăng mạnh và chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,04%, còn 5.431,6 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên liên tiếp lập kỷ lục. Chỉ số Dow Jones giảm 57,94 điểm, tương đương giảm 0,15%, còn 38.589,16 điểm.
Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,12%, đạt 17.688,88 điểm. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp chốt ở mức kỷ lục của thước đo mà cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Báo cáo khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 6 này giảm còn 65,6 điểm, giảm từ mức 69,1 điểm trong tháng 5 và thấp hơn nhiều so với dự báo 71,5 điểm mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Các số liệu kinh tế khác công bố trong tuần này cũng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đang yếu đi.
Hôm thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy tốc độ lạm phát thấp hơn dự báo. Tiếp đó vào hôm thứ Năm, một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 0,2% trong tháng 5, thay vì tăng 0,1% như dự báo.
Cùng ngày thứ Năm, số liệu hàng tuần cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng mạnh hơn kỳ vọng.
Những tín hiệu giảm nhiệt của nền kinh tế và lạm phát tuy gây lo ngại về tăng trưởng, nhưng mặt khác lại củng cố khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất. Trên thị trường lãi suất tương lai, khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 đã tăng trở lại ngưỡng 60-70%, dù trong cuộc họp định kỳ vào tuần này, Fed dự báo chỉ có 1 lần giảm lãi suất trong năm nay.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 8 nhóm giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu và chỉ có 3 nhóm gồm dịch vụ truyền thông, công nghệ thông tin và tiêu dùng thiết yếu tăng điểm. Trong toàn chỉ số gồm 500 cổ phiếu thành viên, có hơn 360 cổ phiếu chốt phiên trong sắc đỏ.
“Có một sự thật là ngay cả ở những thị trường giá lên như thế này, sẽ có những ngày giá cổ phiếu chững lại và nhà đầu tư chốt lời một chút. Thị trường đã tăng dài, nhất là sau các báo cáo PPI và CPI yếu hơn dự báo. Tôi nghĩ việc thị trường chững lại hoàn toàn là tự nhiên sau khi đã tăng mạnh như thế”, nhà phân tích Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin CNBC.
Theo một số nhà phân tích, những xung đột trong triển vọng lãi suất có thể khiến thị trường biến động trong ngắn hạn. Một mặt, Fed vẫn giữ sự cứng rắn, chưa muốn giảm lãi suất; mặt khác, các số liệu kinh tế yếu đi lại củng cố khả năng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 và có thể có 2 lần giảm trong năm nay.
“Fed nói là chỉ giảm lãi suất 1 lần. Điều này khiến nhà đầu tư cảm thấy thất vọng. Nhưng Fed cũng thừa nhận rằng tiến trình giảm lạm phát là đáng khích lệ và nền kinh tế đang yếu đi. Nhà đầu tư cũng đang loay hoay với hai mặt như vậy của cùng một vấn đề”, chiến lược gia Michael Green của công ty Simplify Asset Management phát biểu với hãng tin Reuters.
Ngày thứ Sáu, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, nói rằng sự giảm tốc gần đây của lạm phát là “đáng khích lệ”. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, gọi các số liệu lạm phát của tuần này là một sự giải toả, nhưng nói thêm rằng cần có thêm bước tiến về giảm lạm phát.
Dù sao, hy vọng về sự xuống thang của lạm phát cũng mang lại động lực quan trọng cho chứng khoán Mỹ trong tuần này, đưa S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 1,6% và 3,2% trong tuần.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London chốt phiên với mức giảm 0,13 USD/thùng, tương đương giảm 0,16%, còn 82,62 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,17 USD/thùng, tương đương giảm 0,22%, còn 78,45 USD/thùng.
Cả tuần, giá hai loại dầu tăng gần 4%, chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp. Động lực tăng giá của dầu trong tuần này là một số dự báo cho rằng thị trường dầu có thể chuyển sang trạng thái thắt chặt về nguồn cung khi bước sang quý 3 năm nay.
Nhà phân tích Matt Smith của công ty Kpler nói rằng giá dầu đang nghiêng về khả năng tăng, nhưng mức tăng sẽ bị hạn chế.
“Lập luận về giá dầu bây giờ là sự tăng giá, bởi đang bước sang mùa hè, các nhà máy lọc dầu sẽ hoạt động mạnh và khiến lượng dầu tồn trữ giảm xuống. Giá dầu có thể tăng lên mức 90 USD/thùng, nhưng rồi sẽ lại quay đầu giảm. Giá khó tăng đến 95 USD/thùng, và sẽ không có chuyện giá dầu đạt 100 USD/thùng”, ông Smith nói với CNBC.
Giá dầu đang thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của năm thiết lập vào tháng 4, nhưng đã hồi phục từ mức đáy của 4 tháng thiết lập trong đợt bán tháo vào tuần trước, sau khi liên minh OPEC+ công bố kế hoạch nâng sản lượng dầu trở lại từ quý 4 năm nay.
Một báo cáo của ngân hàng Deutsche Bank dự báo thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ thiếu cung gần 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý 3 năm nay, và giá dầu Brent sẽ tăng lên vùng giữa của khoảng 80-90 USD/thùng.