Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu (26/1), chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, nhưng hoàn tất một tuần đi lên. Giá dầu thô tiếp tục tăng và ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 9 năm ngoái.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,07%, còn 4.890,97 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,36%, còn 15.455,36 điểm.
Riêng chỉ số Dow Jones tăng 60,3 điểm, tương đương tăng 0,16%, chốt ở 38.109,43 điểm - cao nhất mọi thời đại.
Trước phiên giảm này, S&P 500 và Nasdaq đã tăng liền 6 phiên không nghỉ, trong đó S&P 500 có chuỗi 5 phiên lập kỷ lục, dài nhất kể từ tháng 11/2021.
Tính đến hết phiên này, cả ba chỉ số chính đã tăng hơn 100% kể từ mức đáy thiết lập trong đại dịch Covid-19. Tính cả tuần, S&P 500 tăng 1,1%; Nasdaq tăng khoảng 0,9%; và Dow Jones tăng xấp xỉ 0,7%.
Động lực tăng điểm của thị trường trong tuần này các số liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo, với tăng trưởng tiếp tục vững nhịp và lạm phát duy trì xu hướng giảm. Loạt dữ liệu này củng cố khả năng nền kinh tế có được một cuộc hạ cánh mềm, giúp nhà đầu tư lạc quan cho dù phải lùi kỳ vọng về thời điểm mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Báo cáo ngày thứ Sáu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - có mức tăng cả năm trong tháng 12 dưới 3% tháng thứ ba liên tiếp.
Theo đó, mức tăng cả năm của chỉ số này là 2,6%, bằng với mức tăng của tháng 11 và phù hợp với dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó. Nếu so với tháng trước, PCE tăng 0,2% sau khi giảm 0,1% trong tháng 11.
Dù lạm phát tiếp tục xuống thang, sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ - thể hiện qua mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4 và cả năm 2023 tốt hơn dự báo - khiến cho kỳ vọng về thời điểm mà Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trở nên bấp bênh hơn.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của công ty điều hành sàn giao dịch CME Group, khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 3 hiện giảm còn dưới 50%, từ mức trên 80% vào đầu tháng này. Cùng với đó, nhà đầu tư bắt đầu đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed hạ lãi suất từ tháng 5. Về cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào tuần tới, thị trường hiện cho rằng ngân hàng trung ương này sẽ không có động thái nào.
“Tất cả các số liệu kinh tế công bố tuần này, cả GDP và PCE, đều tốt. Đó là điều khiến tất cả mọi người thấy thoải mái. Tôi cho rằng những dữ liệu này cho thấy nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm, tức là tăng trưởng sẽ giảm tốc nhưng vẫn ổn”, chiến lược gia Rhys Williams của công ty Spouting Rock Asset Management nhận định với hãng tin CNBC.
Mức tăng điểm của các chỉ số trong tuần này bị hạn chế do một số cổ phiếu có tỷ trọng vốn hoá lớn sụt mạnh vì báo cáo tài chính không đạt kỳ vọng. Cổ phiếu hãng chip Intel giảm 12% trong phiên ngày thứ Sáu sau khi hãng đưa ra triển vọng kinh doanh khiến nhà đầu tư thất vọng. Cổ phiếu hãng xe điện Tesla giảm 13,6% trong tuần này do lợi nhuận kém hơn so với dự báo và cảnh báo của hãng về khó khăn trong năm 2024.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,65 USD/thùng khi đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, tương đương tăng 0,84%, chốt ở mức 79,01 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 1,12 USD/thùng, tương đương tăng 1,36%, chốt ở mức 83,55 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu WTI tăng 6,27%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 1/9. Giá dầu Brent tăng 6,35%. Tính từ đầu năm, giá hai loại dầu đều đã tăng hơn 8%.
Giá dầu được hỗ trợ bởi các số liệu khả quan về kinh tế Mỹ, cũng như lượng dầu tồn kho và sản lượng khai thác dầu của Mỹ sụt giảm. Ngoài ra, theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Bloomberg, OPEC+ dự kiến không thay đổi sản lượng tại cuộc họp của nhóm vào ngày thứ Năm tuần tới.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Nhóm này đang giảm sản lượng khai thác dầu 2,2 triệu thùng/ngày, dự kiến ít nhất đến hết quý 1/2024, để hỗ trợ giá dầu.
Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng là một nhân tố đẩy giá dầu tăng trong thời gian gần đây, với chiến tranh tiếp diễn ở Gaza và các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào tàu chở hàng hoá đi qua Biển Đỏ.
Tuy nhiên, đa có những dấu hiệu cho thấy các bên liên quan đang nỗ lực để đạt một thoả thuận ngừng bắn ở Gaza - theo Reuters. Nếu các bên đạt được một thoả thuận như vậy, căng thẳng địa chính trị sẽ giảm xuống và giá dầu sẽ mất đi một nguồn lực hỗ trợ.