January 25, 2024 | 19:02 GMT+7

Microsoft, công ty thứ hai trong lịch sử đạt mốc vốn hoá 3 nghìn tỷ USD

Điệp Vũ -

Nếu so sánh với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các quốc gia trên thế gới, vốn hoá của Microsoft hiện lớn hơn cả nền kinh tế Pháp và đứng sau nền kinh tế Anh...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Microsoft đã trở thành công ty thứ hai trên thế giới đạt tới cột mốc vốn hoá 3 nghìn tỷ USD. Phiên giao dịch ngày 24/1, hãng phần mềm khổng lồ đã ghi nhận mức giá trị vốn hoá thị trường này, trong bối cảnh cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục đưa cổ phiếu của hãng tăng bùng nổ.

Nếu so sánh với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các quốc gia trên thế gới, vốn hoá của Microsoft hiện lớn hơn cả nền kinh tế Pháp và đứng sau nền kinh tế Anh.

Có thời điểm trong phiên ngày 24/1, giá cổ phiếu Microsoft tăng 1,5% đạt 405 USD/cổ phiếu, đưa vốn hoá vượt ngưỡng 3 nghìn tỷ USD. Trước Microsoft, duy nhất mới chỉ có hãng công nghệ Mỹ Apple đạt được mốc lịch sử này.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Microsoft đã tăng hơn 7%, sau khi tăng khoảng 40% trong năm ngoái, nhờ sự hào hứng của nhà đầu tư với AI và tiềm năng tăng trưởng mà công nghệ mới mẻ này mang tới cho công ty. Cổ phiếu Apple mới tăng 1% trong năm nay, sau khi tăng 48% trong năm ngoái.

Năm 2023, CEO Satya Nadella của Microsoft đã quyết định rót hàng tỷ USD vốn đầu tư vào AI, bao gồm thương mại hoá và đưa các công cụ AI như ChatGPT vào bộ sản phẩm của công ty trước khi các công ty đối thủ có động thái tương tự. Ngoài ra, ông Nadella cũng thắt chặt mối quan hệ OpenAI, công ty tác giả của ChatGPT và là một đơn vị đi tiên phong về AI, sau một đợt biến động nhân sự trong hội đồng quản trị và bộ máy điều hành công ty này vào cuối năm ngoái.

Sau khi bị Apple dẫn trước về vốn hoá trong phần lớn thời gian của thập kỷ qua, Microsoft trong tháng này đã có lúc chớp nhoáng vượt qua “táo khuyết” để trở thành công ty đắt giá nhất thế giới.

Microsoft đang là một trong 7 công ty công nghệ vốn hoá lớn gọi là nhóm “Magnificent 7”, gồm Apple, Nvidia, Amazon, Alphabet, Meta và Tesla. Xu hướng tăng của cổ phiếu các công ty này đã giữ một vai trò quan trọng đưa thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới trong những tuần gần đây.

Theo hãng tin CNN, riêng Microsoft chiếm tỷ trọng 7,3% trong chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ. Nhóm 7 cổ phiếu này có tổng giá trị vốn hoá lớn hơn giá trị vốn hoá của thị trường chứng khoán bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới ngoài Mỹ.

Tính đến tuần trước, chỉ riêng Nvidia và Microsoft đã chiếm khoảng 75% mức tăng trưởng của S&P 500 từ đầu năm tới nay - theo phân tích của công ty Bespoke Investment Group.

Chốt phiên ngày 24/1, cổ phiếu Microsoft dừng ở mức giá 402,56 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hoá đạt 2,99 nghìn tỷ USD. Để duy trì mức vốn hoá 3 nghìn tỷ USD, cổ phiếu này phải đạt mức giá ít nhất 403,56 USD/cổ phiếu.

Cổ phiếu Apple chốt phiên ở mức 194,5 USD/cổ phiếu, vốn hoá đạt 3 nghìn tỷ USD.

Trong một báo cáo ngày 23/1,  ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo Microsoft sẽ tiếp tục mạnh lên trong lĩnh vực AI, đồng thời nâng mức giá mục tiêu của cổ phiếu Microsoft lên 450 USD/cổ phiếu từ 415 USD/cổ phiếu trước đó.

Ngân hàng Bank of America cũng nâng giá mục tiêu cổ phiếu Microsoft lên 450 USD/cổ phiếu, dự báo công ty tiếp tục sẽ đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2024.

Trong khi đó, Apple đang đối mặt với sự giảm tốc của nhu cầu iPhone, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Gần đây, Apple đã phải giảm giá bán iPhone tại Trung Quốc - một động thái cực kỳ hiếm gặp - để thúc đẩy doanh số trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu bản địa như Huawei.

“Tôi cho rằng sự lạc quan về AI là để dành cho Microsoft”, nhà phân tích Brad Reback của công ty Stifel nhận định với hãng tin Reuters, nói thêm rằng Apple dường như không có được “câu chuyện về AI rõ ràng” như Microsoft, chưa kể việc công ty còn đang đối mặt những lo ngại về tăng trưởng doanh số iPhone.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate