Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (31/1), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tuyên bố ngân hàng trung ương này chưa sẵn sàng để cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Giá dầu thô cũng tụt mạnh dù tiếp tục được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở “vựa dầu” Trung Đông.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 317,01 điểm, tương đương giảm 0,82%, còn 38.150,3 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,61%, còn 4.845,65 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 2,23%, còn 15.164,01 điểm.
Ngày cuối cùng của tháng Giêng đánh dấu một phiên giao dịch tồi tệ đối với cả ba chỉ số. Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 12, của S&P 500 kể từ tháng 9 và của Nasdaq kể từ tháng 10/2023.
“Tôi không cho rằng tới tháng 3, uỷ ban sẽ đạt tới một mức độ tự tin đủ để giảm lãi suất”, ông Powell nói tại họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày của Fed. Sau tuyên bố này của nhà hoạch định chính sách tiền tệ quyền lực nhất thế giới, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng rớt xuống đáy của phiên.
Các nhà giao dịch đang tiến hành “mổ xẻ” tuyên bố sau cuộc họp của Fed để tìm kiếm những dấu hiệu về thời điểm mà Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Đúng lúc đó, ông Powell “dội một gáo nước lạnh” vào kỳ vọng - dù đã giảm xuống nhiều trong thời gian gần đây - về một động thái giảm lãi suất vào tháng 3. Ông nhấn mạnh rằng để Fed bắt đầu nới lỏng, cần phải có thêm những số liệu tốt nữa về lạm phát.
Tuy nhiên, Fed cũng đã có một động thái nhỏ khiến thị trường hài lòng. Đó là tuyên bố của Fed đã bỏ đi phần nội dung phát tín hiệu rằng Fed vẫn có khuynh hướng thắt chặt. Cụm từ “thắt chặt thêm chính sách tiền tệ” không còn xuất hiện trong tuyên bố lần này của Fed như những lần họp trước.
“Chúng tôi tin rằng lãi suất chính sách của chúng tôi có thể đã đạt tới mức đỉnh trong chu kỳ thắt chặt này và nếu nền kinh tế diễn biến đúng như kỳ vọng, việc bắt đầu rút lại chính sách thắt chặt tại một thời điểm nào đó trong năm nay có thể sẽ là phù hợp”, ông Powell nói.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giằng co sau cuộc họp của Fed, cuối cùng chốt phiên trong trạng thái giảm. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm dao động quanh ngưỡng 3,9% vào cuối phiên, từ mức hơn 4% vào phiên trước.
Một số cổ phiếu vốn hoá lớn giảm mạnh phiên này do báo cáo tài chính có những điểm không đạt như kỳ vọng. Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google, giảm hơn 7% - mạnh nhất kể từ hôm 25/10 - do doanh thu quảng cáo trực tuyến gây thất vọng, dù cả tổng doanh thu và lợi nhuận đều tốt hơn dự báo.
Cổ phiếu hãng chip AMD và hãng phần mềm Microsoft cũng giảm gần 3% mỗi cổ phiếu do đưa ra dự báo kém lạc quan về tình hình kinh doanh trong những quý sắp tới.
Trái lại, cổ phiếu Boeing tăng hơn 5% nhờ kết quả kinh doanh quý 4/2023 vượt dự báo của giới phân tích. Gần đây, cổ phiếu Boeing bị giới đầu tư bán mạnh do những lo ngại liên quan đến vấn đề an toàn của dòng máy bay 737 Max 9.
Dù giảm mạnh phiên này, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng hoàn tất một tháng tăng điểm. S&P 500 tăng 1,6%; Dow Jones tăng 1,2%; và Nasdaq tăng 1% trong tháng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 3 tại New York giảm 1,97 USD/thùng, tương đương giảm 2,53%, còn 75,85 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3 tại Lodnon giảm 1,16 USD/thùng, tương đương giảm 1,4%, còn 81,71 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá dầu cũng hoàn tất một tháng tăng, với mức tăng tương ứng của dầu Brent và dầu WTI tương ứng lần lượt là 5,86% và 6,06%.
Phiên ngày thứ Tư, ngoài nỗi thất vọng về lãi suất sau cuộc họp của Fed, giá dầu còn đương đầu với áp lực giảm từ số liệu cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc giảm tháng thứ tư liên tiếp. “Dữ liệu về sản xuất của Trung Quốc xác nhận quan điểm của chúng tôi là ít nhất tại thời điểm này, Trung Quốc là một trở ngại đối với tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM nhận định trong một báo cáo.
Giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị nóng lên ở Trung Đông, khi Mỹ và Iran nhích dần tới một cuộc đối đầu trực tiếp hơn. Trung Đông là một nguồn cung dầu chủ lực của thế giới, nên bất ổn ở khu vực này luôn đặt ra mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu.
“Bạo lực lan rộng ở Trung Đông vẫn là rủi ro rõ ràng nhất và ngày càng gia tăng đối với thị trường năng lượng”, bà Natasha Kaneva - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hoá cơ bản toàn cầu của ngân hàng JPMorgan Chase - nhận định trong một báo cáo. Tuy nhiên, bà Kaneva cho biết quan điểm của JPMorgan Chase là khả năng xung đột leo thang sẽ không cao, vì các bên đều không muốn dính líu vào một cuộc đối đầu trực tiếp.
Mỹ cho biết vào cuối tuần trước, phiến quân thân Iran đã tiến hành một cuộc tấn công làm 3 binh sỹ Mỹ ở Jordan thiệt mạng, đồng thời nã tên lửa vào một tàu chở dầu ở Vịnh Aden. Iran phủ nhận liên quan đến những vụ tấn công này.
Cho tới hiện tại, giá dầu chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi căng thẳng ở Trung Đông, vì nguồn cung dầu chưa có sự gián đoạn lớn nào. Tuy nhiên, giới phân tích liên tục cảnh báo rằng một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran có thể đẩy giá dầu tăng cao hơn nếu giao thông qua eo biển Hormuz bị gián đoạn vì đây là một đoạn đường biển huyết mạch trong chuỗi cung ứng dầu lửa toàn cầu.