Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (23/10), dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quay đầu giảm sau khi một lần nữa vượt qua ngưỡng chủ chốt 5%. Giá dầu thô giảm mạnh sau khi xuất hiện những bước tiến ngoại giao tích cực liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 190,87 điểm, tương đương giảm 0,58%, còn 32.936,41 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp. Chỉ số S&P 500 giảm 0,17%, còn 4.217,04 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq chốt phiên trong trạng thái tăng, với mức tăng khiêm tốn 0,27%, đạt 13.018,33 điểm.
Nhà đầu tư lo lắng khi chứng kiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm một lần nữa vượt qua mốc 5%, nhưng sau đó lợi suất quay đầu giảm dưới mốc này. Cuối phiên, lợi suất của kỳ hạn 10 năm dao động quanh ngưỡng 4,85%.
Hôm thứ Năm tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chớp nhoáng vượt 5%, đánh dấu lần đầu tiên tăng qua mốc này kể từ năm 2007.
Lợi suất trái phiếu tăng khi trái phiếu bị nhà đầu tư bán ra, và xu hướng tăng phản ánh nỗi lo của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát vì nền kinh tế Mỹ đến hiện tại vẫn đứng vững sau 11 lần tăng lãi suất của Fed. Trong một bài phát biểu vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell để ngỏ khả năng thắt chặt thêm chính sách và giữ chính sách ở trạng thái thắt chặt lâu hơn vì “lạm phát còn quá cao”.
Khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, sức hấp dẫn của trái phiếu cũng tăng lên và sức hút của cổ phiếu giảm bớt, vì trái phiếu kho bạc Mỹ là một tài sản an toàn và có lợi tức cố định. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu tăng cũng phản ánh kỳ vọng lãi suất tăng - một môi trường không có lợi cho giá cổ phiếu, nhất là các cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu công nghệ.
Ở thời điểm hiện tại, một số nhà phân tích cho rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn còn dư địa tăng.
Đà tăng của lợi suất “có thể được đẩy nhanh trong một bức tranh kinh tế vốn đang suy yếu nhưng bị che đậy bởi lãi suất cao”, chiến lược gia trưởng Tony Dwyer của công ty Canaccord Genuity nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh trong tuần trước, với S&P 500 mất 2,4% điểm số, đánh dấu tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần trở lại đây. Dow Jones giảm 1,6%, trong khi Nasdaq có tuần giảm thứ hai liên tiếp với mức giảm 3,2%.
“Câu chuyện chính trên thị trường vẫn là về vấn đề lãi suất. Chủ đề đang dịch chuyển từ lãi suất ‘cao hơn lâu hơn’ sang ‘cao hơn bao nhiêu và lâu hơn bao nhiêu’. Thị trường đã chấp nhận ý tưởng rằng Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất”, Phó chủ tịch cấp cao Oliver Pursche của công ty tư vấn Wealthspire Advisors nhận định với hãng tin Reuters.
Tuần này, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ tập trung vào báo cáo tài chính quý 3 của các công ty niêm yết lớn, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh bước vào cao điểm với gần 1/3 số doanh nghiệp thành viên của S&P 500 dự kiến sẽ công bố báo cáo trong tuần này. Trong số đó có những tên tuổi lớn như Microsoft, Alphabet, Meta Platforms, Amazon, General Motors, Ford và Boeing.
“Nhà đầu tư đang hy vọng 7 công ty này sẽ gây ngạc nhiên theo chiều hướng tích cực”, chiến lược gia Sam Stovall của công ty nghiên cứu CFRA Research nhận định.
Theo dữ liệu từ LSEG, trong số 86 công ty trong S&P 500 đã báo cáo tính đến thời điểm này, có 78% đạt lợi nhuận tốt hơn dự báo. Giới phân tích hiện kỳ vọng lợi nhuận của các thành viên chỉ số này tăng 1,2% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, tuần này còn có báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của Mỹ đến từ Bộ Thương mại nước này. Giới phân tích dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 4,3% trong quý vừa qua. Tiếp đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng- sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu. Theo dự báo, lạm phát toàn phần và lạm phát lõi cả năm sẽ tiếp tục giảm còn tương ứng 3,4% và 3,7%.
“Fed muốn làm cho lạm phát giảm nhanh hơn so với mức giảm của tăng trưởng kinh tế, và Fed đang làm được như vậy. Đó là định nghĩa kinh điển của hạ cánh mềm”, ông Pursche nhận định.
Bất ổn địa chính trị cũng tiếp tục là một mối quan tâm của nhà đầu tư trong tuần này, với bất kỳ dấu hiệu leo thang hay lan rộng nào của cuộc chiến Israel-Hamas ở Trung Đông cũng đều có thể gây áp lực giảm lên thị trường. Ngày thứ Hai, các nỗ lực ngoại giao được đẩy mạnh nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến kêu gọi một “sự tạm dừng nhân đạo” của chiến sự trong tuần này để viện trợ có thể tiếp cận người Palestine ở dải Gaza. Lãnh đạo Pháp và Hà Lan sẽ tới Israel trong tuần này để đưa ra lời kêu gọi đó. Ngày đầu tuần, Hamas phóng thích thêm hai con tin người Israel và Mỹ kêu gọi thận trọng với kế hoạch mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza. Trước đó vào cuối tuần, các đoàn xe viện trợ bắt đầu tới Gaza từ Ai Cập.
“Rủi ro tức thì đối với nguồn cung dầu ở Trung Đông có vẻ đã giảm xuống. Các nhà giao dịch tạm thời cắt giảm trạng thái đầu cơ giá lên để chờ xem tình hình sẽ diễn biến như thế nào”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,89 USD/thùng, tương đương giảm 2,05%, còn 90,27 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,11 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 85,97 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng mạnh trong 2 tuần qua kể từ khi xung đột bùng nổ ở Gaza.
“Căng thẳng ở Trung Đông sẽ làm gia tăng các trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế. Giá dầu tăng sẽ đẩy lạm phát toàn cầu lên cao hơn, khiến chính sách tiền tệ bị thắt chặt thêm, và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ phải yếu đi”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil nhận định với Reuters.