January 25, 2024 | 07:56 GMT+7

Chứng khoán Mỹ “xanh” 5 phiên liên tiếp, giá dầu tăng 1% vì sản lượng của Mỹ giảm

Bình Minh -

Đây là phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp của S&P 500 và Nasdaq, đồng thời là phiên lập kỷ lục thứ tư liên tiếp của S&P 500...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (24/1), khi cổ phiếu công nghệ duy trì đà tăng của phiên trước, đưa thị trường lên mức đỉnh mới. Giá dầu thô tăng gần 1% do bão tuyết khiến sản lượng dầu của Mỹ giảm sút trong tháng 1.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,08%, đạt 4.868,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,36%, đạt 15.481,92 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones giảm 99,06 điểm, tương đương giảm 0,26%, còn 37.806,39 điểm.

Đây là phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp của S&P 500 và Nasdaq, đồng thời là phiên lập kỷ lục thứ tư liên tiếp của S&P 500. Về phần mình, Dow Jones không giữ được sắc xanh trong phiên này do áp lực đến từ cú giảm 2% của hai cổ phiếu Verizon và 3M, sau khi nhà mạng viễn thông và tập đoàn công nghiệp này công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 không đạt kỳ vọng.

Báo cáo tài chính của các công ty niêm yết là nhân tố chính chi phối diễn biến thị trường trong phiên này. Cổ phiếu công nghệ vững nhịp tăng sau khi công ty truyền nội dung trực tuyến Netflix công bố kết quả kinh doanh với doanh thu vượt kỳ vọng và lượng thuê bao đạt kỷ lục 260,8 triệu. Chốt phiên, cổ phiếu Netflix tăng hơn 10%, kéo các cổ phiếu cùng nhóm khác tăng theo.

Cổ phiếu hãng phần mềm Microsoft tăng gần 1%, đưa giá trị vốn hoá thị trường vượt mốc 3 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử công ty. Cổ phiếu Meta tăng 1,4%, nâng vốn hoá công ty mẹ của mạng xã hội Facebook vượt 1 nghìn tỷ USD.

“Mọi người đã nghĩ rằng cơ hội và rủi ro trên thị trường là tương đối cân bằng, thậm chí có những người nghiêng về rủi ro nhiều hơn vì tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc. Nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến cho thấy mọi thứ vững vàng hơn”, chiến lược gia Charlie Ripley của công ty Allianz Investment Management nhận định với hãng tin CNBC.

Tính đến thời điểm này đã có hơn 16% số công ty thuộc chỉ số S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý 4/2023, trong đó có 71% đưa ra kết quả lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng - theo dữ liệu từ FactSet. Sự vững vàng của nền kinh tế, mùa báo cáo tài chính nhìn chung khả quan và xu hướng tăng của cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn là những yếu tố  đưa chứng khoán Mỹ tăng điểm sau một số phiên đuối sức vào đầu năm, và thiết lập trạng thái thị trường đầu cơ giá lên mới.

“Thị trường đang rất lạc quan. Yếu tố chính chi phối thị trường bây giờ đang là phản ứng của nhà đầu tư với các báo cáo tài chính”, nhà sáng lập Lary Tentarelli của trang tin Blue Chip Daily Trend Report nói với CNBC.

Số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày thứ Tư cũng mang đến thêm sự lạc quan cho nhà đầu tư. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của S&P Global cho thấy hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6.

Ngày thứ Năm, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2023 đến từ Bộ Thương mại Mỹ.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,72 USD/thùng, tương đương tăng 0,97%, đóng cửa ở mức 75,09 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,49 USD/thùng, tương đương tăng 0,62%, chốt ở 80,04 USD/thùng.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ ước tính giảm 1 triệu thùng/ngày còn 12,3 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 19/1. Lượng tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ cũng giảm 9,2 triệu thùng trong cùng kỳ.

Sản lượng dầu của Mỹ giảm do một khối khí lạnh tràn từ Bắc Cực đã làm tê liệt hoạt động tại nhiều mỏ dầu ở North Dakota - bang sản xuất dầu lớn thứ ba ở nước này. Nhà chức trách của bang cho biết sản lượng dầu thô của bang giảm tới 700.000 thùng/ngày trong tuần trước. Dù đã hồi phục, sản lượng dầu của bang này vào ngày thứ Tư vẫn thấp hơn từ 170.000-220.000 so với bình thường.

Gần đây, giá dầu đương đầu với áp lực giảm từ sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ và triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc - hai yếu tố xung đột dẫn tới mối lo thừa cung, thiếu cầu.

Chiến lược gia Vikas Dwivedi của ngân hàng đầu tư Macquarie dự báo giá dầu sẽ tiếp tục giằng co trong quý 1 này trừ phi có những yếu tố tác động mạnh, chẳng hạn xung đột leo thang ở Trung Đông.

Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông là một nhân tố quan trọng đưa giá dầu WTI tăng 4,8% và giá dầu Brent tăng 3,9% từ đầu năm đến nay. Theo ông Dwivedi, gần như tất cả rủi ro Trung Đông đã được phản ánh vào giá dầu và “nếu không có căng thẳng địa chính trị, chúng tôi cho là dầu thô đã bị bán tháo mạnh”.

Nhà phân tích Tamas Varga của công ty giao dịch dầu lửa PVM Oil Associates dự báo giá dầu Brent sẽ dao động trong vùng 72-82 USD/thùng trừ phi nguồn cung dầu từ Trung Đông có sự biến động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate