Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (23/1) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi nhà đầu tư nghiền ngẫm các số liệu kết quả kinh doanh trái chiều của doanh nghiệp niêm yết và chờ những báo cáo tài chính tiếp theo trong tuần này. Giá dầu thô đi xuống khi hoạt động khai thác dầu bị gián đoạn ở Libya và Mỹ được nối lại, trong khi giá bitcoin có lúc không giữ được mốc 39.000 USD vì “cơn sốt” ETF tiếp tục nguội đi.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 96,36 điểm, tương đương giảm 0,25%, còn 37.905,45 điểm. Trong phiên ngày thứ Hai, chỉ số blue chip này lần đầu tiên trong lịch sử chốt phiên trên mốc 38.000 điểm. Phiên giảm này cũng chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp của Dow Jones.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,29%, lập kỷ lục đóng cửa mới ở mức 4.864 điểm, đánh dấu phiên thứ ba không nghỉ của thước đo giá cổ phiếu rộng nhất ở Phố Wall.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,43%, chốt ở mức 15.425,94 điểm.
Nhiều nhà đầu tư coi báo cáo tài chính quý 4/2023 của 7 công ty công nghệ vốn hoá lớn là chìa khoá để xác định đợt tăng gần đây của thị trường có thể duy trì hay mất đà. Nhóm 7 công ty được nhà đầu tư gọi là “Magnificent 7”, bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia and Tesla. Trong số này, Tesla sẽ công bố báo cáo tài chính vào ngày thứ Tư.
“Ngày thứ Tư và thứ Năm sẽ có nhiều công ty lớn công bố kết quả kinh doanh. Tuần tới, mùa báo cáo tài chính thậm chí còn bận rộn hơn. Sẽ có nhiều thứ để nhà đầu tư đánh giá trong tuần này và tuần tới, rốt cục có thể mang đến diễn biến tích cực cho thị trường”, chiến lược gia Art Hogan của công ty B. Riley Wealth nhận định với hãng tin Reuters.
Giới phân tích dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các công ty thuộc S&P 500 trong quý 4/2023 đạt 4,3%, giảm so với mức tăng 7,5% đạt được trong quý 3 - theo dữ liệu từ LSEG. Trong khi đó, định giá cổ phiếu có vẻ đang ở mức cao. Hệ số giá P/E của chỉ số S&P 500 đang ở mức khoảng 20 lần, so với mức bình quân dài hạn là 16 lần.
“Lợi nhuận doanh nghiệp của tất cả các lớp cổ phiếu đã đạt đỉnh và sẽ giảm dần khi nền kinh tế suy yếu và tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp chững lại”, chiến lược gia Sameer Samana của ngân hàng Wells Fargo cảnh báo.
Với 3 phiên lập kỷ lục nối tiếp nhau, S&P 500 đã chính thức bước vào trạng thái thị trường đầu cơ giá lên (bull market). Tuy nhiên, nhà đầu tư đang trở nên thận trọng, vì sự tăng điểm từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung vào cổ phiếu công nghệ, thay vì diễn ra trên diện rộng. Tháng 1 này, cổ phiếu hãng sản xuất chip Nvidia đã tăng 20%.
Xu hướng tăng gần đây dựa nhiều vào kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất và tâm lý lạc quan về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Dù vậy, các số liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo gần đây đã khiến giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng vào việc Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 3.
Tuần này, sẽ có hai báo cáo kinh tế Mỹ quan trọng, gồm báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4 dự kiến công bố vào ngày thứ Năm và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) công bố vào ngày thứ Sáu. Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để thị trường căn chỉnh kỳ vọng lãi suất.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters, giới chuyên gia cho rằng Fed có thể sẽ đợi tới tháng 6 mới bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,39 USD/thùng, tương đương giảm 0,52%, chốt ở mức 74,37 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,51 USD/thùng, tương đương giảm 0,64%, còn 79,55 USD/thùng.
Hôm Chủ nhật, Libya đã nối lại sản xuất ở mỏ dầu Sharara. Đây là mỏ dầu có sản lượng 300.000 thùng/ngày và đã đóng cửa khoảng 2 tuần do biểu tình.
Sản lượng dầu ở North Dakota - bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ - cũng đang hồi phục sau đợt thời tiết lạnh sâu khiến sản lượng dầu của bang này giảm 250.000-300.000 thùng/ngày so với bình thường. Hôm thứ Tư tuần trước, sản lượng dầu của North Dakota giảm 700.000 thùng/ngày.
Vào hôm thứ Hai, giá dầu tăng khoảng 2% do căng thẳng địa chính trị giữa Nga-Ukraine và ở Trung Đông. Gần đây, căng thẳng địa chính trị là một nhân tố hỗ trợ giá dầu, trong khi giá năng lượng này tiếp tục đương đầu áp lực giảm từ triển vọng ảm đạm của kinh tế thế giới năm nay, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc.
Giá tiền ảo bitcoin tiếp tục xu hướng giảm, có lúc xuống dưới 39.000 USD, thấp nhất kể từ đầu tháng 12.
Hiệu ứng tăng giá đối với bitcoin từ việc nhà chức trách Mỹ phê chuẩn việc mở quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) bitcoin giao ngay tiếp tục giảm. Trước khi các quỹ này được phê chuẩn, giá bitcoin đã tăng vượt mốc 49.000 USD. Nếu so với đỉnh giá đó, bitcoin hiện giảm khoảng 19%.
Theo hãng tin CNBC, nhà đầu tư đã rút khoảng 2 tỷ USD khỏi quỹ Grayscale Bitcoin Trust từ hôm 19/1. Trong khi đó, các quỹ iShares Bitcoin Trust và Wise Origin Bitcoin Fund thu hút được hơn 1 tỷ USD mỗi quỹ trong cùng khoảng thời gian.
Giới phân tích cho rằng do đã tăng nhiều, giá bitcoin còn tiếp tục giảm trước khi tăng lên cao hơn. Trong ngắn hạn, 36.000 USD là một mốc cần theo dõi, nhưng đồng tiền ảo lớn nhất thế giới vẫn có khả năng lập kỷ lục mới trong năm nay.