Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (11/9), khi cổ phiếu Tesla tăng mạnh nhờ lạc quan về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và trong bối cảnh nhà đầu tư chờ số liệu thất nghiệp dự kiến công bố trong tuần này. Giá dầu thô giảm nhẹ, với giá dầu Brent duy trì mốc giá quan trọng 90 USD/thùng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,25%, đạt 34.663,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,67%, đạt 4.487,46 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,14%, đạt 13.917,89 điểm.
Tesla tăng 10% sau khi ngân hàng đầu tư Morgan Stanley khuyến nghị nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu hãng xe điện này, cho rằng siêu máy tính Dojo của Tesla có thể giúp công ty tăng giá trị vốn hoá thị trường thêm gần 600 tỷ USD.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác cũng tăng mạnh, đưa công nghệ trở thành nhóm chủ lực dẫn dắt phiên tăng này, như Amazon tăng 3,5% hay Microsoft tăng 1,1%. Cổ phiếu Meta tăng 3,25% sau khi có tin công ty mẹ của mạng xã hội Facebook đang tạo ra một hệ thống AI mới, mạnh mẽ hơn.
Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Tư tuần này để tìm kiếm thêm manh mối về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã có thể dừng chu kỳ tăng lãi suất được hay chưa. Sau báo cáo CPI, báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào ngày thứ Năm.
Một cuộc khảo sát của Fed chi nhánh New York cho thấy quan điểm chung của người Mỹ về lạm phát hầu như không có sự thay đổi đáng kể trong tháng 8, tiếp tục dự báo giá thực phẩm và giá nhà ở còn tăng, đồng thời cho rằng tình hình tài chính cá nhân còn giảm sút.
“Thị trường đang lạc quan vì tin rằng các con số CPI và PPI trong tuần này sẽ phản ánh xu hướng dịu đi của lạm phát. Miễn là các số liệu lạm phát đo nằm trong khoảng dự báo, khả năng Fed tăng thêm lãi suất sẽ giảm xuống”, CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định với hãng tin Reuters.
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong tuần trước, khi giới đầu tư lo ngại rằng xu hướng tăng gần đây của giá dầu và các số liệu kinh tế mạnh hơn dự báo có thể dẫn tới lạm phát dai dẳng và buộc Fed phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 93% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9, và khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11 là 57%.
Giới chức Fed đã bước vào một giai đoạn “im lặng” - không có các phát biểu trước công chúng trước khi diễn ra các cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ. Quyết định lãi suất tiếp theo của Fed sẽ được đưa ra sau khi ngân hàng trung ương này kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày 19-20/9.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,01 USD/thùng, còn 90,64 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,22 USD/thùng, còn 87,29 USD/thùng.
Mức giá 90 USD/thùng của dầu Brent đã được thiết lập lần đầu tiên sau 10 tháng vào tuần trước, nhờ lực hỗ trợ từ việc Saudi Arabia và Nga - hai nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới - gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu lâu hơn dự kiến. Tổng mức cắt giảm sản lượng tự nguyện của hai nước này là 1,3 triệu thùng/ngày, dự kiến kéo dài cho tới hết năm.
Việc Riyadh và Moscow hạn chế sản lượng dầu đã và đang chi phối diễn biến giá dầu nhiều hơn mối lo về sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Phát biểu ngày thứ Hai, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nhận định rằng các vấn đề kinh tế của Trung Quốc sẽ chủ yếu có ảnh hưởng trong nước hơn là ảnh hưởng đến Mỹ.
Tương tự như giá cổ phiếu, giá dầu tuần này cũng sẽ chịu tác động từ các báo cáo lạm phát của Mỹ và cả kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến diễn ra vào ngày thứ Năm.
Ngoài ra, nhà đầu tư trên thị trường dầu còn chờ các báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Tháng trước, IEA hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2024 còn 1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, báo cáo tháng 8 của OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm tới ở mức 2,25 triệu thùng/ngày.