Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (6/10), dù số liệu việc làm tốt hơn dự báo củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn và đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh. Giá dầu thô cũng tăng nhưng hoàn tất tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 288,01 điểm, tương đương tăng 0,87%, đạt 33.407,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,18%, đạt 4.308,5 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,6%, đạt 13.431,34 điểm.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có 336.000 công việc mới trong tháng 9, gần gấp đôi con số dự báo 170.000 công việc mới mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của tiền lương đã giảm so với tháng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,8%, cao hơn so với mức dự báo 3,7% mà giới chuyên gia đưa ra.
Ngay sau khi báo cáo được công bố, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vì nhà đầu tư lo ngại sự vững vàng của thị trường lao động đồng nghĩa Fed sẽ phải kéo dài cuộc chiến chống lạm phát bằng cách duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế. Ở đáy của phiên, Dow Jones giảm tới 272 điểm, trong khi Nasdaq và S&P 500 giảm 0,9% mỗi chỉ số.
Các nhà giao dịch không xác định được nguyên nhân cụ thể khiến thị trường đảo chiều ngoạn mục. Một số cho rằng có thể số liệu cho thấy mức tăng trưởng tiền lương thấp hơn dự báo và thất nghiệp cao hơn dự báo đã khiến thị trường lạc quan hơn về triển vọng lạm phát. Một số khác đề cập đến việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quay đầu giảm sau khi đạt đỉnh của phiên. Ngoài ra, cũng có lý giải rằng sự phục hồi là tất yếu khi thị trường đã rơi vào tình trạng bán quá nhiều (oversold), vì trong tuần này có lúc S&P 500 giảm hơn 8% so với mức cao của năm 2023.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh ngay sau khi báo cáo việc làm được công bố, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm lên gần mức cao nhất 16 năm. Sau đó, lợi suất quay đầu giảm, về ngưỡng dưới 4,8%.
“Lợi suất đã dịu đi một chút, về dưới ngưỡng 4,8%. Điều này giúp ích cho giá cổ phiếu. Ngoài ra, thị trường đã quá yếu trong tuần này vì nhà đầu tư bán quá nhiều”, Giám đốc đầu tư Megan Horneman của công ty Verdence Capital Advisors nhận định với hãng tin CNBC.
“Có thể dữ liệu về tăng trưởng tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp đã đủ xấu để thị trường tin rằng Fed không cần phải tăng lãi suất thêm nữa. Kỳ vọng đang lên cao rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11”, nhà kinh tế Dante DeAntonio của Moody’s Analytics nhận định.
Nhiều tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán Mỹ luôn coi các dữ liệu kinh tế vĩ mô tốt là tin xấu vì sự vững vàng của nền kinh tế củng cố khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn - nhân tố gây bất lợi cho tăng trưởng kinh tế và giá của các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu. Ngược lại, tin xấu được coi là tin tốt vì giảm bớt khả năng Fed duy trì thắt chặt.
Tính cả tuần này, S&P 500 tăng 0,48%, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp. Nasdaq tăng 1,6% cả tuần, trong khi Dow Jones giảm 0,3%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,51 USD/thùng, chốt ở 84,58 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,48 USD/thùng, chốt ở 82,79 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 11% trong khi giá dầu WTI giảm hơn 8%.
Tuần này, giá dầu đương đầu với áp lực giảm vì mối lo rằng lãi suất cao kéo dài sẽ gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Triển vọng nguồn cung dầu thắt chặt vẫn còn đó, khi Nga và Saudi Arabia tiếp tục duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng cho tới cuối năm, nhưng nỗi lo về nhu cầu mới là nhân tố chi phối thị trường trong tuần.
Ngoài ra, giá dầu còn giảm trong tuần này vì xu hướng tăng của USD - đồng tiền được sử dụng để định giá dầu thô trong giao dịch quốc tế. Phiên ngày thứ Sáu, có thời điểm chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt gần 107 điểm, cao nhất trong 11 tháng. Tuy nhiên, nếu tính cả tuần, chỉ số giảm hơn 0,1%.
Trong một diễn biến cải thiện nguồn cung dầu, Nga tuyên bố nới lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel mà nước này đưa ra hồi cuối tháng 9. Theo đó, các công ty xuất khẩu xăng dầu của Nga vẫn phải bán ít nhất 50% sản lượng dầu diesel cho thị trường trong nước nhằm bình ổn thị trường.