Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (23/5), cho thấy nỗ lực hồi phục sau khi chỉ số Dow Jones ghi nhận chuỗi 8 tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 1923. Giá dầu thô tăng nhẹ, trong khi giá Bitcoin một lần nữa không giữ được mốc 30.000 USD.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 618 điểm, tương đương tăng gần 2%. Chỉ số S&P 500 tăng 1,9% và chỉ số Nasdaq tăng 1,6%.
Diễn biến này của thị trường khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu đây có phải là một cuộc phục hồi bền vững, hay chỉ là một phiên tăng có tính chất giải toả trong xu hướng bán tháo kéo dài suốt thời gian qua.
“Thị trường hiện nay có mức độ giằng co và trồi sụt mạnh đến nỗi ngày nào bạn cũng có thể có cảm giác là ngày hôm qua mình đã đánh giá sai và rất dễ phạm sai lầm”, chiến lược gia Liz Young của Sofi nói với CNBC.
Cổ phiếu ngân hàng đóng góp nhiều vào phiên phục hồi này, dẫn đầu là JPMorgan Chase với mức tăng 6,2% sau khi nhà băng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản tuyên bố sẽ đạt các mục tiêu chủ chốt sớm hơn so với dự báo nhờ lãi suất tăng lên.
Sự tăng điểm diễn ra trên diện rộng, với tất cả 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 cùng chốt phiên trong trạng thái xanh, dẫn đầu là nhóm tài chính. Nhóm này tăng 3,23%, đánh dấu phiên tăng tốt nhất kể từ ngày 9/3.
Trong phiên ngày thứ Ba, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới một bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu về doanh số bán nhà mới.
Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York đóng cửa tăng 0,01 USD/thùng, đạt 110,29 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,87 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, đạt 113,42 USD/thùng.
Giá dầu khó bứt phá vì một mặt được hỗ trợ bởi nhu cầu lái xe gia tăng ở Mỹ trong mùa hè và thành phố Thượng Hải của Trung Quốc tiến tới mở cửa trở lại sau hai tháng phong toả chống Covid, nhưng mặt khác chịu áp lực giảm từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Đang có những đám mây đen phủ bóng lên thị trường tài chính và bắt đầu ảnh hưởng đến giá dầu”, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của Mizuho, ông Bob Yawger, phát biểu. “Sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu đang bị nghi ngờ ở thời điểm này”.
Nhiều mối đe doạ cùng lúc đối với nền kinh tế toàn cầu đang là chủ đề chính tại chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thuỵ Sỹ. Một số thành viên cấp cao tham dự chuỗi sự kiện này đã nói về nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói bà hiện không cho rằng các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái, nhưng không loại trừ khả năng xảy ra suy thoái.
Giá dầu cũng bị “ghìm” lại ít nhiều khi Liên minh châu Âu (EU) chưa thể thông qua lệnh cấm vận dầu Nga. Hungary hiện vẫn giữ vững quan điểm phản đối kế hoạch này vì lo ngại xảy ra một cú sốc nguồn cung.
Trong khi đó, Mỹ đang chuẩn bị bước vào mùa lái xe cao điểm, bắt đầu vào cuối tuần này với kỳ nghỉ Memorial Day. Dù giá dầu tăng cao, các nhà phân tích cho biết dữ liệu về di chuyển từ TomTom và Google cho thấy lưu lượng giao thông gia tăng tại nhiều quốc gia như Mỹ. Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, cũng hứa hẹn có sự bùng nổ của hoạt động đi lại nếu mở cửa hoàn toàn trở lại từ ngày 1/6 như dự kiến.
Giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Bitcoin tiếp tục giằng co mốc 30.000 USD trong lúc chưa có nhân tố tác động rõ ràng mới. Lúc hơn 8h sáng nay (24/5) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com đứng ở 29.161 USD, giảm khoảng 3,5% so với cách đó 24 tiếng.